Bệnh viện Bưu điện: Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ

22 Tháng Chín , 2017

Phản vệ là một phản ứng dị ứng có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ, xảy ra ngay sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, gây ra nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Nhằm giúp cho đội ngũ điều dưỡng toàn bệnh viện hiểu được thế nào là phản vệ và sốc phản vệ, từ đó biết cách phát hiện và nhận dạng các triệu chứng, mức độ của phản vệ; biết cách xử trí phản vệ và sốc phản vệ…, chiều ngày 20/9/2017, Bệnh viện Bưu điện đã tổ chức tập huấn về sốc phản vệ cho  đội ngũ điều dưỡng của Bệnh viện.

NÉN 1

Trực tiếp truyền đạt và hướng dẫn các nội dung liên quan đến phản vệ, sốc phản vệ, TTƯT.ThS.BS Trần Hùng Mạnh – Phó Giám đốc – Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bưu điện lưu ý: Sốc phản vệ là một tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, rất nguy hiểm, dễ gây tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ khoa, phòng nào, bất cứ lúc nào và chúng ta không thể lường trước được hậu quả của nó.

NÉN 7

NÉN 5

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sốc phản vệ, trong đó nguyên nhân hàng đầu liên quan đến chăm sóc y tế: thuốc, các chế phẩm máu, vaccine… Bên cạnh đó, ở mỗi chuyên ngành có những khó khăn riêng khi nhận biết phản vệ và sốc phản vệ (ví dụ như trong gây mê hồi sức, trong nhi khoa…); vai trò và quyền được xử trí của người đầu tiên phát hiện ra tình trạng này (chủ yếu là các điều dưỡng viên). Chính vì vậy việc tập huấn cho đội ngũ điều dưỡng viên về phản vệ và sốc phản vệ là rất cần thiết bởi đây là những nhân viên y tế trực tiếp thực hiện y lệnh thuốc cho người bệnh hàng ngày tại các cơ sở y tế.

NÉN 11

 Với mong muốn cao nhất là đảm bảo an toàn cho người bệnh, cùng với tổ chức tập huấn cho đội ngũ điều dưỡng, các bác sĩ, chuyên gia về Hồi sức cấp cứu và Nội khoa của Bệnh viện Bưu điện đã chủ động xây dựng “Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ tại Bệnh viện Bưu điện” phù hợp với các quy định của Bộ Y tế cũng như điều kiện thực tế tại Bệnh viện. Dựa vào hướng dẫn này, nhân viên y tế biết cách phát hiện, phân loại và xử trí kịp thời, đúng phác đồ khi có phản vệ hoặc sốc phản vệ xảy ra. Bảng Hướng dẫn này được thiết kế rõ ràng, đơn giản, dễ nhận biết, được dán tại tất cả các khoa, phòng có liên quan đến phẫu thuật, thủ thuật và treo trên các xe tiêm phục vụ bệnh nhân hàng ngày. Qua đó, không chỉ nâng cao ý thức mà còn tạo điều kiện cho đội ngũ điều dưỡng biết cách thực hiện chuẩn xác, cấp cứu phản vệ kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Ảnh Quy trinh xu ly cap cuu phan ve_BVBD_1_9_2017_2

Cũng liên quan tới việc phòng và xử trí phản vệ, hiện Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư Hướng dẫn phòng và xử trí phản vệ áp dụng cho tất cả tổ chức cá nhân hành nghề khám chữa bệnh. Đối với người có tiền sử phản vệ, có sẵn thuốc adrenalin thì người bệnh hoặc người xung quanh được phép sử dụng thuốc để cấp cứu khi không có mặt nhân viên y tế.

Theo Dự thảo, về nguyên tắc dự phòng phản vệ, với tất cả các loại thuốc nên chỉ định đường dùng phù hợp nhất có thể, chỉ dùng đường tiêm khi không có đường khác thay thế. Không thử phản ứng thường quy cho tất cả các loại thuốc trừ những trường hợp có chỉ định.

Không được kê đơn, chỉ định dùng các thuốc hoặc dị nguyên đã gây phản vệ cho người bệnh. Trường hợp đặc biệt cần dùng thuốc hoặc dị nguyên này phải hội chẩn chuyên khoa dị ứng hoặc do các bác sĩ đã được tập huấn về phản vệ để thống nhất chỉ định và phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc đại diện hợp pháp của người bệnh bằng văn bản. Việc thử phản ứng trên người bệnh với các loại thuốc hoặc dị nguyên đã từng gây dị ứng cho người bệnh phải được tiến hành tại chuyên khoa dị ứng hoặc do các bác sĩ đã được tập huấn về phản vệ.

Dự thảo Thông tư cũng yêu cầu nhân viên y tế phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng thuốc và các dị nguyên khác của người bệnh trước khi kê đơn hoặc sử dụng. Tất cả các thông tin liên quan đến dị ứng phải được ghi vào sổ khám chữa bệnh, bệnh án, giấy ra viện, chuyển viện.

Khi đã xác định được thuốc hoặc dị nguyên gây phản vệ, thầy thuốc phải cấp cho người bệnh thẻ theo dõi dị ứng ghi rõ các thuốc hoặc dị nguyên gây dị ứng, cần nhắc người bệnh cung cấp thông tin này cho nhân viên y tế mỗi khi khám chữa bệnh.

Về chuẩn bị cấp cứu phản vệ, tại các phòng (buồng) khám, phòng (buồng) điều trị, xe tiêm và mọi nơi có sử dụng thuốc phải có sẵn hộp cấp cứu phản vệ. Thành phần hộp cấp cứu phản vệ theo quy định. Cơ sở khám, chữa bệnh phải có thuốc, vật tư, trang thiết bị theo quy định. Nhân viên y tế phải nắm vững kiến thức và thực hành cấp cứu phản vệ theo phác đồ cấp cứu. Trên những phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu thuỷ, tàu hoả, ô tô vận chuyển hành khách) cần trang bị tối thiểu 01 hộp cấp cứu phản vệ.