Biến điều “không thể” thành “có thể”
Trong những năm gần đây, có một nghịch lý đã hình thành và dường như ngày càng phát triển, đó là xã hội càng hiện đại thì lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến đời sống của con người. Một trong những mối lo hiện hữu ấy là tình trạng vô sinh, hiếm muộn này càng gia tăng do ảnh hưởng tiêu cực của rất nhiều yếu tố (môi trường, biến đổi khí hậu, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, cường độ lao động quá cao…). Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, tại Việt Nam hiện nay, cứ 100 phụ nữ thì có 7 đến 8 người bị vô sinh, hiếm muộn. Nếu như trước kia, người bị vô sinh hiếm muộn gặp vô vàn khó khăn trong hành trình đi tìm con trẻ thì sự xuất hiện của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (TTHTSS) – Bệnh viện Bưu điện cùng uy tín về chất lượng khám, điều trị tại đây đã mang đến tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc vô bờ bến của biết bao gia đình từng đứng bên bờ vực tuyệt vọng bởi chứng bệnh vô sinh.
Tròn 7 năm đằng đẵng trên hành trình “tìm con” ở khắp các bệnh viện lớn, nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Minh Thảo (20 Hàng Vôi, Hà Nội) vẫn chỉ nhận được con số không tròn trĩnh. Hy vọng bao nhiêu rồi lại thất vọng bấy nhiêu, đã có lúc anh chị cảm thấy chùn chân, mỏi gối và muốn dừng lại. Và điều kỳ diệu đã đến với gia đình chị Thảo sau khi tìm đến TTHTSS – Bệnh viện Bưu điện. Chị Thảo đã sinh đôi 2 em bé, 1 bé trai và 1 bé gái. Còn với gia đình chị Đinh Thị Niên (Phường Hà Tu, TP. Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh) thì hạnh phúc đã vỡ òa khi chị được báo tin đã có thai sau hơn 10 năm điều trị căn bệnh vô sinh. Đã nhiều lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại các bệnh viện khác nhưng không thành công, chị Niên cho rằng mình đã rất may mắn khi được một người bạn giới thiệu sang Bệnh viện Bưu điện. Ngay trong lần đầu tiên điều trị ở đây, vợ chồng chị đã thành công. Hiện cặp sinh đôi của gia đình chị Niên đã được gần 2 tuổi.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn đã được điều trị thành công tại TTHTSS – Bệnh viện Bưu điện. Vào tháng 11/2016 vừa qua, hơn 200 gia đình đại diện cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã đến tham dự sự kiện chào mừng em bé thứ 500 được sinh ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Bưu điện. Sự buồn bã, chán nản, mệt mỏi thậm chí tuyệt vọng trước đây đã thay bằng niềm vui hân hoan và niềm hạnh phúc rạng ngời. 200 cặp vợ chồng có mặt tại sự kiện là 200 câu chuyện, 200 hành trình gian nan “đi tìm con trẻ” với cái kết có hậu. Và không ai khác, chính các y, bác sĩ của TTHTSS – Bệnh viện Bưu điện đã mang đến cái kết kỳ diệu ấy cho họ.
Bắt đầu triển khai thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON – IVF) từ năm 2010, đến nay, Bệnh viện Bưu điện đã thực hiện hơn 3.000 chu kỳ TTTON với tỷ lệ thành công cao ngang các nước trên thế giới (từ 50 – 60%). Mặc dù ra đời muộn hơn so với nhiều TTHTSS trên cả nước, nhưng ngay từ khi thực hiện kỹ thuật TTTON, Trung tâm HTSS – Bệnh viện Bưu điện đã tạo lập được chỗ đứng riêng trong kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam. Được đầu tư trang thiết bị hiện đại và không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao tay nghề, hiện các y, bác sĩ tại Trung tâm đã làm được gần như toàn bộ các kỹ thuật HTSS mà các trung tâm HTSS ở Việt Nam cũng như trên thế giới thực hiện. Đặc biệt, Trung tâm còn thực hiện thành công nhiều ca TTTON khó như: người bệnh lớn tuổi, người bệnh có tinh trùng bất động 100%… làm nên tiếng vang và là niềm hi vọng cho các gia đình vô sinh, hiếm muộn. Nói về nguyên nhân đạt được những kết quả đáng phấn khởi này, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã – Trưởng TTHTSS cho biết: “Ngay từ khi mới thành lập, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu đặt chất lượng điều trị lên hàng đầu. Về chuyên môn, chúng tôi cập nhật tất cả những kiến thức mới, kỹ thuật hiện đại nhất và khi khám cho người bệnh chúng tôi cũng phải tìm con đường điều trị ngắn nhất và hiệu quả nhất bởi vì tuổi sinh sản của phụ nữ là có hạn. Bên cạnh đó, mỗi y bác sĩ, nhân viên y tế tại TTHTSS đều ý thức về chất lượng phục vụ, tạo tâm lý thoải mái, yên tâm cho người bệnh nên hiệu quả điều trị cao hơn”.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chị em phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ, được sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Lãnh đạo Bệnh viện Bưu điện đã trang bị cho Trung tâm Hỗ trợ sinh sản hệ thống máy móc, thiết bị đồng bộ, hiện đại hàng đầu trên thế giới. Đội ngũ nhân lực của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản cũng thuộc hàng “khủng” của Bệnh viện Bưu điện với 29 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 6 bác sĩ, 10 cử nhân sinh học, 3 nữ hộ sinh, 9 điều dưỡng và 1 hộ lý. Các bác sĩ của Trung tâm có bề dày kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu về hỗ trợ sinh sản tại các cơ sở y tế có uy tín ở trong nước như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, và thường xuyên đi tu nghiệp ở các nước có kĩ thuật hỗ trợ sinh sản mạnh như Singapore, Nhật, Mỹ, Châu Âu. Cùng với kinh nghiệm phong phú, các bác sĩ của Trung tâm luôn chú trọng cập nhật phác đồ điều trị, thuốc điều trị mới nhất. Các cử nhân sinh học, thạc sĩ và tiến sĩ tại Labo của Trung tâm tốt nghiệp từ nhiều trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, với đặc thù chuyên sâu về chuyên ngành hỗ trợ sinh sản. Các chuyên viên labo thường xuyên được gửi đi học, đi hội nghị và cập nhật các kĩ thuật mới nhất tại Nhật, Mỹ, Châu Âu.
Với đội ngũ hùng hậu, các bác sĩ và chuyên viên labo của trung tâm thực hiện tốt hầu hết các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản hiện hành: bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA), đông phôi theo phương pháp thủy tinh hóa, hỗ trợ phôi thoát màng, chuyển phôi đông lạnh. Hiện các chỉ số về tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ có thai sinh hóa, thai lâm sàng của Trung tâm đạt ngang bằng các Trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) lớn trong nước và thế giới.
Bên cạnh việc tư vấn tận tình, giải đáp thắc mắc, cung cấp thêm kiến thức về hỗ trợ sinh sản cho người bệnh hiếm muộn, đội ngũ bác sĩ, cử nhân sinh học tại Trung tâm đã có nhiều cải tiến trong công việc mang lại tỉ lệ thành công ngày càng cao, nhiều kĩ thuật hiện đại được cập nhật và ứng dụng tại trung tâm, biến những điều “không thể” trở thành “có thể”, mở ra ngày càng nhiều cơ hội làm cha mẹ đối với người hiếm muộn, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc, thỏa nguyện ước ao được làm cha, làm mẹ của các gia đình vô sinh, hiếm muộn, xứng đáng là địa chỉ tin cậy, niềm hy vọng của người bệnh.