Cấp cứu kịp thời giúp bệnh nhân ngừng tuần hoàn giành lại sự sống
Ban Lãnh đạo Bệnh viện Bưu điện vừa quyết định khen thưởng đột xuất các bác sĩ, điều dưỡng trong kíp trực ngoài giờ ngày 30/5/2019 tại Cơ sở 2 (Ngõ Yên Bái II – Phố Huế) vì đã cấp cứu thành công bệnh nhân ngừng tuần hoàn, giúp người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch và hồi phục hoàn toàn.
Các bác sĩ, điều dưỡng trong kíp trực ngoài giờ ngày 30/5/2019 tại Cơ sở 2
(Ngõ Yên Bái II – Phố Huế) đã cấp cứu thành công bệnh nhân ngừng tuần hoàn.
Vui mừng, thở phào nhẹ nhõm là cảm xúc của cả kíp trực tại cơ sở 2- Bệnh viện Bưu điện (Ngõ Yên Bái II – Phố Huế) sau 45 phút tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân Bùi Kim D, 42 tuổi (ở Bà Triệu – Hà Nội). Đây là trường hợp ngừng tuần hoàn với diễn biến nhanh và diễn ra trong bệnh viện. Trước đó, tối ngày 30/5/2019, chị D nhập viện do bị sốt 4 ngày trước đó, đi tiểu buốt dắt, choáng ngất một lần. Khi vào viện, bệnh nhân vẫn trong tình trạng tỉnh táo, thông số huyết áp trong giới hạn bình thường, tuy nhiên điện tim có biểu hiện ngoại tâm thu thất thưa. Sau khi được khám và lấy máu xét nghiệm, bệnh nhân được theo dõi tại phòng cấp cứu thì bất ngờ lên cơn co giật, ngừng tim ngừng thở.
Được phát hiện kịp thời, kíp trực hồi sức cấp cứu bao gồm các bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Hồi sức cấp cứu, bác sĩ trực nội, bác sĩ trực ngoại và bác sĩ Khoa Thận – Lọc máu đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn như ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo qua ambu, tiêm adrenalin và sốc điện khoảng 10 lần cho bệnh nhân.
Sau 45 phút cấp cứu tích cực, với sự nỗ lực không mệt mỏi và kỹ năng cấp cứu thuần thục, đúng phác đồ, sự phối hợp nhịp nhàng của kíp trực, phương tiện cấp cứu đầy đủ, trái tim của bệnh nhân D đã đập bình thường trở lại. Sau khi có tái lập tuần hoàn tự nhiên, kíp trực quyết định chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai để xét điều trị nâng cao bằng liệu pháp “hạ thân nhiệt”. May mắn cho bệnh nhân D là tại đây, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, các chức năng sống ổn định, nên không cần phải sử dụng liệu pháp hạ thân nhiệt, tiếp tục được theo dõi và điều trị bệnh lý gây ra sốt và rối loạn nhịp tim.
Thông tin về ca cấp cứu này, ThS.BS Nguyễn Ngọc Tân – Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện, người trực tiếp tham gia ca cấp cứu cho biết: đây là trường hợp rất may mắn bởi bệnh nhân còn trẻ tuổi, lại bị ngừng tuần hoàn ngay tại Bệnh viện và được cấp cứu đúng và kịp thời nên đã có kết quả “ngoạn mục”. Trong trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc cấp cứu không đúng sẽ để lại di chứng, có thể sống thực vật, thậm chí tử vong. “Cấp cứu đúng và kịp thời giúp người bệnh thoát khỏi cơn nguy hiểm và hồi phục hoàn toàn, đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng tôi”; thay mặt cho kíp trực, bác sĩ Tân vui mừng chia sẻ.
Không chỉ thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, tập huấn và đầu tư trang thiết bị cho công tác cấp cứu nói chung và cấp cứu ngừng tuần hoàn nói riêng để phục vụ người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện. Thời gian qua, Bệnh viện Bưu điện còn triển khai tập huấn miễn phí kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn và một số cấp cứu thông thường như: đuối nước, ngạt khói, điện giật, bỏng…cho nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với mong muốn giúp người dân có thêm kỹ năng sống, góp phần giúp đỡ, cứu sống những người không may bị nạn trong cộng đồng.
Một số hoạt động của Khoa Hồi sức cấp cứu tại Cơ sở 2 ( Ngõ Yên Bái II – Phố Huế):