Cầu nối bệnh viện với người dân

5 Tháng Tư , 2018

Tại cơ sở y tế, người điều dưỡng có vai trò như là mắt xích quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, thực hiện nhiệm vụ giúp người bệnh điều trị và phục hồi bệnh sau chẩn đoán của bác sĩ. Trong hơn 7 năm làm việc, gắn bó với Bệnh viện Bưu điện, dù ở Khoa Ngoại tiết niệu hay Ngoại Tổng hợp, điều dưỡng Nguyễn Đăng Tùng luôn ý thức rõ điều này, từ đó nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được người bệnh và đồng nghiệp tin tưởng, quý mến.

nen 2

Điều dưỡng Nguyễn Đăng Tùng – Khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Bưu điện.

Với Tùng, điều dưỡng giỏi không phải chỉ thuần thục các kỹ năng tiêm, truyền, thay băng, hỗ trợ các bác sỹ trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân mà hơn ai hết người điều dưỡng cần phải có cái tâm với con người và tình yêu đối với công việc. Khi đã có tâm, có tình thì mọi khó khăn, vất vả qua đi rất nhẹ nhàng, ngay cả cách ứng xử với người bệnh cũng trở nên hài hòa, tự nhiên, khéo léo. Điều này những ngày chập chững mới vào nghề, bản thân anh chưa thể làm được, bởi những lần tiếp xúc, chăm sóc, phục vụ các bệnh nhân nặng hoặc các bệnh nhân sau phẫu thuật là rất khó khăn. Nỗi đau do bệnh tật khiến người bệnh thay đổi tâm tính, họ có thể phàn nàn, cáu gắt, thậm chí còn mắng mỏ điều dưỡng vì bất cứ lý do gì. Có lúc rất buồn, tự ái, đôi khi còn cảm thấy tổn thương, nhưng sau đó Tùng hiểu ra nguyên nhân là do họ đau ốm, tự ti và tuyệt vọng bởi sức khỏe giảm sút, tinh thần không thoải mái. Từ đó người điều dưỡng trẻ chủ động học hỏi, nâng cao tay nghề, đồng thời thay đổi thái độ ứng xử đối với người bệnh.

nen 1

Bệnh nhân điều trị ở Khoa Ngoại Tổng hợp đã quá quen với gương mặt phúc hậu, sự nhanh nhẹn vốn có nhất là thái độ ân cần, hòa nhã của điều dưỡng Nguyễn Đăng Tùng. Bất cứ buồng bệnh nào được phân công phụ trách anh đều nắm rõ từng chi tiết trong bệnh án của các bệnh nhân, từ tên tuổi, bệnh lý, phương pháp điều trị ra sao, y lệnh cần thực hiện như thế nào, người bệnh có đặc điểm gì cần chú ý… Thế nên ngay từ lúc mới bước vào buồng bệnh, câu chào hỏi, thăm nom dành cho từng người bệnh khiến những người mới đến có cảm giác thân thiết như đang trò chuyện với chính người thân của mình. Hiểu, cảm thông, chia sẻ với những đau đớn về thể xác người bệnh đang gặp phải, đồng thời động viên, an ủi, giải thích cho từng người việc thực hiện y lệnh của bác sĩ, vậy nên điều dưỡng Nguyễn Đăng Tùng không chỉ được người bệnh tin quý mà còn là phụ tá rất đắc lực của các bác sĩ, nhân viên trong khoa.

nen 4

Cẩn thận, tỉ mẩn, chịu khó quan sát, học hỏi, không nề hà bất cứ công việc gì, luôn có ý thức tích lũy kiến thức, kỹ năng cùng những kinh nghiệm quý báu theo thời gian đã giúp anh ngày càng vững vàng, tự tin hơn trong công tác chuyên môn. Có những thao tác tưởng đơn giản với người điều dưỡng song Đăng Tùng chưa bao giờ coi nhẹ việc đó, với mong muốn giúp người bệnh giảm bớt đau đớn, nhanh khỏi bệnh, từ mũi tiêm đến thay băng, tiêm truyền… anh đều hết sức cẩn trọng, nhẹ nhàng. Và có một điều anh không quên bao giờ đó là luôn nhắc nhở, giải thích cho người bệnh những việc mình sắp thực hiện, chuẩn bị tinh thần trước cho người bệnh. Cùng với đó, Tùng rất chịu khó quan sát, phát hiện và có những sáng tạo riêng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Không nề hà, ngại việc, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp, hòa đồng, tinh tế trong cuộc sống hàng ngày, có thể nói Nguyễn Đăng Tùng thực sự hội tụ được những yếu tố căn bản của một điều dưỡng viên tiêu biểu, góp phần xây dựng cầu nối giữa Bệnh viện Bưu điện với người dân ngày càng thêm vững chắc.

nen 3