Chủ động các phương án ứng phó nếu xuất hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện
Sau gần hai tháng xuất hiện dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, cùng với các cơ sở y tế trong cả nước, Bệnh viện Bưu điện đã nỗ lực, chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh. Theo sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Tập đoàn VNPT, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và số bệnh nhân nhiễm bệnh gia tăng trong những ngày qua trên toàn quốc, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh của Bệnh viện đã thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh tại tất cả các Trung tâm, Khoa, Phòng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án, kịch bản ứng phó theo các tình huống cụ thể có thể xảy ra trong thực tế khám, chữa bệnh để chủ động phòng, chống dịch có hiệu quả và duy trì các hoạt động khám chữa bệnh an toàn tại Bệnh viện.
Tại cuộc họp sáng ngày 18/3/2020, Ban Chỉ đạo đã dành phần lớn thời gian thảo luận, cho ý kiến đối với một số tình huống giả định khi bệnh nhân tới khám và điều trị các bệnh lý thuộc phạm vi và khả năng chuyên môn của Bệnh viện và được phát hiện có dấu hiệu nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19. Căn cứ vào điều kiện thực tế và đặc thù riêng của mình, các Khoa đều chủ động đưa ra phương án xử lý trong các tình huống như: bệnh nhân đến cấp cứu vì một bệnh lý không liên quan đến dịch bệnh Covid-19 nhưng trong quá trình khai thác yếu tố dịch tễ thì phát hiện người bệnh từng có liên quan, tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh; người bệnh đã nhập viện điều trị được một vài ngày và xuất hiện ho, sốt, khó thở, do lo lắng nên lúc đó mới thông báo mình đã từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh; việc lấy mẫu bệnh phẩm, điều trị hoặc chuyển viện đối với các bệnh nhân có liên quan, làm sao để vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh và những người tiếp xúc (trong đó có nhân viên y tế), công tác khử khuẩn sau đó sẽ được thực hiện như thế nào… đã được BCĐ bàn luận sôi nổi, nghiêm túc.
Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bưu điện đều thống nhất việc lên kịch bản, bàn phương án ứng phó với từng tình huống có thể xảy ra tại từng Trung tâm, Khoa, Phòng là việc làm hết sức cần thiết. Đến thời điểm này, Bệnh viện Bưu điện đã thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, trang thiết bị vật tư y tế, thuốc thiết yếu, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Ý thức của nhân viên y tế cũng như người dân đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện về phòng chống dịch bệnh đã được nâng cao. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có trường hợp nào nhiễm Covid-19 đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bưu điện, mọi hoạt động khám chữa bệnh vẫn được diễn ra bình thường và an toàn.
Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp với số người nhiễm và tử vong do đại dịch trên thế giới tiếp tục tăng đòi hỏi mỗi nhân viên y tế và cả Bệnh viện phải luôn luôn nêu cao ý thức tự giác, chủ động phòng chống dịch góp phần bảo vệ sự an toàn của bản thân và cộng đồng. Bởi khi dịch bệnh xuất hiện, hơn ai hết, nhân viên y tế chính là bộ phận xương sống của bộ máy phòng vệ quốc gia nhằm hạn chế hay ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh. Ở nơi tiền tuyến, nhân viên y tế cung cấp sự chăm sóc cần thiết cho các bệnh nhân bị nghi ngờ hoặc xác định nhiễm Covid-19, mà thường việc này đòi hỏi họ phải làm việc trong tình trạng đầy thách thức. Họ phải đối mặt với nguy cơ cao hơn về việc nhiễm bệnh Covid-19 tiềm tàng trong khi đang nỗ lực bảo vệ cộng đồng.
Chú trọng việc sàng lọc, phát hiện ngay từ khi người bệnh đến khám để có biện pháp xử lý đúng, an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên việc chủ động đưa ra các phương án, cách thức xử trí tình huống khi có người nhiễm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại các Khoa/Trung tâm sẽ giúp các đơn vị và từng nhân viên nâng cao nhận thức, ý thức, nắm chắc các quy định cũng như kỹ năng khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tự biết cách bảo vệ người bệnh và bảo vệ bản thân. Đồng thời hỗ trợ đồng nghiệp, hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và những người xung quanh chấp hành và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Ngay sau cuộc họp này, các Trung tâm, Khoa, Phòng có liên quan sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của Ban chỉ đạo, bổ sung, hoàn thiện các tình huống giả định, báo cáo BCĐ thẩm định để trình Giám đốc ký ban hành và phổ biến đến tất cả các cán bộ, nhân viên y tế thuộc đơn vị mình.