Cứu chữa kịp thời các ca bệnh sỏi thận khó bằng phương pháp tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ
Hôm nay, tuy vẫn còn khá đau và mệt mỏi sau khi được TTƯT.TS.BS Dương Văn Trung – Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu điện thực hiện tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ nhưng với bà Vũ Thị L. (52 tuổi ở Thanh Hóa) thì sự đau đớn này không thấm tháp gì so với lúc bà mới nhập viện.
Bà L. kể, trước khi nhập viện, đột nhiên bà đau bụng phía bên trái dữ dội tưởng như “chết đi được”. Sau khi được bác sĩ khám, chỉ định thực hiện siêu âm, chụp X.quang và các xét nghiệm cận lâm sàng, bà L. mới biết nguyên nhân gây ra những cơn đau hành hạ mình là do thận trái ứ nước bởi sỏi san hô như một “củ gừng” có kích thước tới 40mm (4cm), còn thận bên phải thì teo nhỏ không còn chức năng hoạt động do trước đây đã bị sỏi phá huỷ. Lí do này khiến bà L. khá bất ngờ vì cách đây hơn 7 năm bà đã từng điều trị sỏi thận, không ngờ nay bệnh này lại tái phát. Khi các cơn đau hành hạ ngày đêm, bà L. chỉ còn mong chờ và hy vọng vào người bác sĩ có “đôi bàn tay vàng” sẽ giúp bà thoát khỏi những đau đớn dai dẳng.
TTƯT.TS.BS Dương Văn Trung – Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu điện
đến thăm khám bà Vũ Thị L.(52 tuổi ở Thanh Hóa).
Nói về trường hợp bệnh nhân này, TS.BS. Dương Văn Trung cho biết: đây là một ca bệnh khó, bệnh nhân hiện đang sống dựa hoàn toàn vào chức năng của quả thận bên trái mà quả thận này lại bị sỏi san hô rất to. Nếu can thiệp bằng phương pháp tán sỏi thì rủi ro cho người bệnh là rất cao. Chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc nhiễm trùng, quả thận còn lại sẽ mất nốt chức năng, người bệnh sẽ bị suy thận và phải chạy thận nhân tạo suốt đời. Còn nếu không can thiệp, chỉ kê đơn thuốc rồi cho bệnh nhân về thì viên sỏi sẽ vẫn còn trong thận và người bệnh sẽ tiếp tục bị những cơn đau hành hạ và biến chứng suy thận chắc chắn sẽ xảy ra.
Với mong muốn mang tới cho người bệnh kết quả can thiệp tốt nhất, cuối cùng TS.BS. Dương Văn Trung đã quyết định thực hiện biện pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ (một kỹ thuật cao được thực hiện tại Bệnh viện Bưu điện) cho bà Vũ Thị L. Thật may mắn, sau 30 phút thực hiện kỹ thuật, BS Trung và đồng nghiệp đã thực hiện thành công ca mổ. Chứng kiến sự lo lắng, hoảng sợ trên vẻ mặt của người thân bệnh nhân khi thấy bác sĩ vừa ra khỏi phòng mổ, rồi sau đó là sự vui mừng hân hoan của họ khi nhận được thông tin về ca mổ đã thành công, nhất là hôm sau, khi tới khám và thăm lại bà L, thấy bà khỏe khoắn, tươi vui khác hẳn với lúc nhập viện ban đầu, BS Dương Văn Trung cảm thấy thật sự hài lòng với quyết định của mình.
TTƯT.TS.BS Dương Văn Trung – Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu điện
đến chia vui cùng bà Đỗ Thị Ngọc Ng. (61 tuổi ở Hà Nội).
Cũng theo bác sĩ Trung, đã làm nghề y, nhất là bác sĩ phẫu thuật luôn đòi hỏi người thầy thuốc phải thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến và đặt quyền lợi và sức khoẻ của người bệnh lên trên hết để từ đó đưa ra được những quyết định chính xác, đúng thời điểm với trách nhiệm các nhân cao nhất để người bệnh được điều trị, cứu chữa kịp thời và hiệu quả nhất.
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh khó mà TS.BS. Dương Văn Trung và các đồng nghiệp của mình đã gặp trong quá trình khám và điều trị cho người bệnh. Mới đây nhất, trường hợp bệnh nhân Đỗ Thị Ngọc Ng. (61 tuổi ở Hà Nội) cũng khiến các thầy thuốc của Bệnh viện Bưu điện không khỏi lo ngại. Bà Ng. nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn nhiều, cơ thể rất yếu. Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy bà Ng. bị suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn vì sỏi thận trái để lâu gây ứ mủ, nhiễm khuẩn máu. Ngay khi tới Bệnh viện, bà Ng. đã được các bác sĩ của khoa Hồi sức cấp cứu hồi sức tích cực, lọc máu liên tục trong 48 giờ. Ngay khi tình trạng của bà Ng được cải thiện, thoát khỏi tình trạng sốc bác sĩ Trung cũng đã thực hiện phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ để lấy hết sỏi thận, kết quả là bà Ng. đã bình phục sau gần hai tuần khám và điều trị tại Bệnh viện Bưu điện.
Để phòng và chữa bệnh sỏi thận, TS.BS. Dương Văn Trung khuyến cáo mọi người nên uống nhiều nước (trên 2 lít/ngày), việc uống nhiều nước cũng sẽ hạn chế được 50% sỏi tái phát nếu người bệnh đã từng điều trị sỏi thận. Các loại nước uống như: nước cam, nước chanh… rất tốt cho thận. Bạn có thể ăn thực phẩm tôm, cua, cá nhưng nên hạn chế ăn nhiều thịt. Và bất cứ khi nào phát hiện có những dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường liên quan đến các bệnh lý về thận thì cần phải tới ngay Bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.