Để có vết mổ đẹp, đảm bảo an toàn sau sinh mổ
Làm thế nào để sinh mổ an toàn, có được vết mổ đẹp sau sinh là mong muốn và nhu cầu chính đáng của tất cả các bà mẹ được bác sĩ chỉ định phải sinh mổ. Trên các hội nhóm về sinh nở, đa phần các mẹ rất quan tâm đến việc chọn nơi sinh và bác sĩ thực hiện mổ đẻ với tiêu chí vết mổ phải đẹp và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, không phải sản phụ nào cũng biết, để cuộc mổ an toàn, vết mổ đẹp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Chia sẻ sau đây của bác sĩ Đỗ Tiến Dũng – Khoa Sản – Bệnh viện Bưu điện sẽ giúp chị em và các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Bác sỹ Đỗ Tiến Dũng – Khoa Sản – Bệnh viện Bưu điện cùng đồng nghiệp
thực hiện một ca mổ đẻ tại Bệnh viện Bưu điện.
Nhiều mẹ mổ xong bảo: tưởng ghê lắm, hóa ra hắt xì một cái thì đã xong rồi. Thật ra dư âm của cái hắt xì ấy có lâu hơn sinh thường một chút, nhưng vì mong muốn những điều tốt nhất cho con, mẹ vẫn phải chọn sinh mổ. Nhắc lại là sinh mổ được chỉ định trong những trường hợp cụ thể (không phải cứ tiện là mổ) như: nhau tiền đạo, mẹ có khối u (tử cung, buồng trứng), nguy cơ tiền sản giật, ngôi ngược, khung chậu bất thường, tử cung đã có vết mổ v.v… Ngày xưa, khi kỹ thuật mổ lấy thai chưa phát triển, những sản phụ thuộc các trường hợp này đều phải đứng trước rất nhiều nguy cơ tai biến, các cụ nói “chửa cửa mả” là thế.
Hình ảnh minh họa.
Mổ đẻ còn có một phiền não nữa là nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, đây là loại tai biến thường gặp nhất trong 5 tai biến sản khoa. Mặc dù các phác đồ điều trị sau mổ đã được hoàn thiện và nâng cao, tuy nhiên, vẫn không có bác sĩ sản nào dám khẳng định 100% không có nhiễm trùng. Điều này phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có cả những yếu tố ngoài tầm kiểm soát như là cơ địa.
“Tội đồ” của các vết nhiễm trùng mổ là vi khuẩn. Liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, vi khuẩn yếm khí… đều có thể gây nhiễm trùng vết mổ. Các loại vi khuẩn này thường xuyên có mặt ở môi trường xung quanh, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở gây nhiễm trùng. Mức độ nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào sức khỏe của sản phụ, độc tính của vi khuẩn và thời gian phát hiện, điều trị sớm hay muộn.
Nếu bạn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không may vết mổ có nhiễm trùng thì thời gian điều trị cũng sẽ rút ngắn và không gây nguy hiểm đáng kể. Hầu hết các nhiễm trùng vết mổ đẻ có thể được điều trị bằng kháng sinh.
Dấu hiệu để nhận biết vết mổ nhiễm trùng là những cơn sốt từ 38 – 39 độ C, sản dịch ra ít, có mùi hôi, bụng trướng, vết mổ chảy nước, đau…
Đối với các ca sinh mổ, tôi vẫn khuyến khích sản phụ tắm rửa bình thường, chỉ cần che kỹ hoặc tránh khu vực vết mổ là được. Việc tắm rửa không chỉ tốt cho vệ sinh thân thể, nó còn giúp mẹ bầu thư giãn và tránh stress sau sinh.
Chú ý khi tắm không đụng và chà xát vào vết mổ. Sau khi tắm rửa, cần phải lau khô người dùng bông thấm khô vùng xung quanh vết mổ.
Các chị cũng đừng quá sốt ruột với việc xóa sẹo sau mổ. Tuyệt đối không được thoa bất kỳ loại kem nào cho đến khi vết mổ lành hoàn toàn. Thông thường, thời gian phục hồi kéo dài khoảng 2- 3 tuần tùy từng cơ địa.
Một số lưu ý đối với các sản phụ sinh mổ:
Một số hình ảnh bác sĩ và nhân viên y tế Khoa Sản – Bệnh viện Bưu điện thăm khám, điều trị, chăm sóc sản phụ và em bé sau sinh mổ.