Đừng bỏ lỡ 4 phút “vàng” giúp thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”
Theo một nghiên cứu tại Thủ đô Hà Nội năm 2011-2012 thì thời gian trung bình từ khi nhận cuộc gọi đến khi nhân viên cấp cứu 115 có mặt tại hiện trường cấp cứu người bệnh ngừng tuần hoàn là 13,35 ± 6,62 phút, trong khi thời gian tốt nhất để cấp cứu là 4 phút đầu tiên sau khi người bị nạn ngừng tuần hoàn.
Chia sẻ thông tin trên tại buổi tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn với chủ đề “Vì sức khoẻ – Hạnh phúc của chính bạn và cộng đồng” do Bệnh viện Bưu điện tổ chức miễn phí cho cán bộ công nhân viên cơ quan Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) chiều ngày 12/9 tại Hà Nội, TTƯT. ThS. BS Trần Hùng Mạnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Bưu điện cho biết: “ Tại nước ta hiện nay, kỹ năng sống của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, hầu hết mọi người đều chưa biết cách xử trí đúng các tình huống cấp cứu thông thường xảy ra tại cộng đồng”.
TTƯT. ThS. BS Trần Hùng Mạnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Bưu điện phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Cũng theo bác sĩ Trần Hùng Mạnh, nếu một người chẳng may bị đột quỵ hoặc tai nạn, thương tích nặng khiến nạn nhân ngừng tuần hoàn thì thời gian tốt nhất để cấp cứu là 4 phút đầu tiên, đây được coi là thời gian “vàng” trong cấp cứu ngừng tuần hoàn. Bởi vì sau khoảng thời gian này, não của người gặp nạn hoặc bệnh nhân sẽ bị tổn thương nặng nề và rất khó hồi phục. Chính vì vậy nếu được cấp cứu nhanh chóng, kịp thời ngay trong 4 phút “vàng” đầu tiên thì khả năng cứu sống được người bị nạn là rất cao, hạn chế những di chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu tại Thủ đô Hà Nội năm 2011-2012 thì có tới 91,35% trường hợp ngừng tuần hoàn bên ngoài bệnh viện, nơi không sẵn có những nhân viên y tế có kỹ năng cấp cứu. Nghiên cứu này cũng chỉ ra thời gian trung bình từ khi nhận cuộc gọi đến khi nhân viên cấp cứu có mặt tại hiện trường phải mất đến 13,35 ± 6,62 phút.
Nhằm trang bị cho những người bình thường và nhân dân trong cộng đồng biết được những kiến thức và kỹ năng cơ bản về cấp cứu ngừng tuần hoàn, từ đó họ có thể giúp đỡ người khác và hỗ trợ nhân viên y tế cứu giúp người bệnh khi có tình huống không may xảy ra, trong hai tháng 8 và 9/2017, Bệnh viện Bưu điện tổ chức miễn phí chương trình tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn “Vì sức khoẻ – Hạnh phúc của chính bạn và cộng đồng” cho 6 cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Chương trình này cũng là sự tri ân của Bệnh viện Bưu điện đối với cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện.
Tại buổi Tập huấn tổ chức ở cơ quan Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, các bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện Bưu điện đã phổ biến, hướng dẫn những nội dung cơ bản về cấp cứu thông thường và cấp cứu ngừng tuần hoàn, cách xử trí và kỹ năng cần thiết khi tiến hành sơ cứu, cấp cứu người gặp nạn trong trường hợp bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn do đột quỵ, tai nạn hay gặp các loại chấn thương như: gãy xương, đuối nước, điện giật, say nắng, say nóng, bỏng, ngạt khói… Bên cạnh phần lý thuyết được các bác sĩ truyền đạt một cách ngắn gọn, dễ hiểu, các cán bộ, nhân viên cơ quan Tổng công ty VNPost còn được thực hành kỹ năng ép tim, thổi ngạt trực tiếp trên mô hình.
Lần đầu tiên được tham gia một lớp tập huấn về kỹ năng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, anh Lê Xuân Huy, chuyên viên Văn phòng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam vui vẻ cho biết, anh đã được tiếp nhận nhiều kiến thức hữu ích về y tế, biết cách ứng xử, giúp đỡ người gặp nạn khi có những sự cố bất ngờ xảy ra trong đời sống hoặc trong hoạt động sản xuất. Qua tập huấn anh nhận thấy mình hoàn toàn có thể giúp bản thân và những người xung quanh hạn chế được nguy cơ bị chấn thương nặng hoặc tử vong khi có tình huống không mong muốn .
Cũng như anh Huy, nhiều cán bộ, nhân viên của TCT VNPost cho rằng một số kiến thức về cấp cứu như: hô hấp nhân tạo, ép tim, thổi ngạt, băng bó, sơ cứu vết thương thì đã được nghe nói nhiều nhưng khi được trực tiếp thực hành lần đầu tiên tại buổi tập huấn họ cảm thấy rất bổ ích và thiết thực. Nhiều câu hỏi xung quanh nội dung cấp cứu, hỗ trợ nhân viên y tế và người gặp nạn trong thực tế cuộc sống như: cấp cứu người bị động kinh, cấp cứu những người mắc bệnh hiểm nghèo, bị nhiễm HIV/AIDS… mà học viên đặt ra đã được các bác sĩ giải thích, hướng dẫn tận tình.
Ông Đinh Như Hạnh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát biểu tại lớp tập huấn
Phát biểu tại lớp tập huấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Đinh Như Hạnh cảm ơn và đánh giá cao việc các cán bộ, bác sĩ của Bệnh viện Bưu điện đã dành thời gian trực tiếp xuống đơn vị tổ chức tập huấn các kiến thức cơ bản về cấp cứu trong y tế cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của TCT. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu và mong muốn được nâng cao hiểu biết và trang bị thêm nhiều kỹ năng hữu ích của nhân dân trong cộng đồng. Bởi hiện nay, mặc dù phương tiện truyền thông phát triển mạnh, chúng ta có thể đọc để biết các kỹ năng bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn. Nhiều lúc chủ quan, khi xảy ra sự cố, nếu không biết cách cấp cứu thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Với lớp tập huấn này, các cán bộ, công nhân viên, người lao động của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam có thể nắm được kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu giúp người thân và nhân dân trong cộng đồng giữ được tính mạng, hạn chế sự cố đáng tiếc về sức khỏe có thể xảy ra.
Các bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện Bưu điện chụp ảnh lưu niệm
với cán bộ, nhân viên cơ quan Tổng công ty Bưu điện Việt Nam
Trước đó, Bệnh viện Bưu điện cũng đã phối hợp với Tổng công ty dịch vụ viễn thông – Tập đoàn VNPT tổ chức thành công lớp tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn cho 60 cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp này. Sau đây là một số hình ảnh tại lớp tập huấn
Ông Hồ Đức Thắng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông phát biểu tại lớp tập huấn
TTƯT. ThS. BS Trần Hùng Mạnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Bưu điện phát biểu tại lớp tập huấn