Giữ nhịp sống cho những người ” phải ngủ”

24 Tháng Năm , 2017

“Tôi rất yêu công việc của mình vì đã giữ được nhịp sống cho những người bệnh, đặc biệt là những người bệnh nặng, những trường hợp cấp cứu”. Đó là tâm sự của Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Bách – Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức (GMHS), Bệnh viện Bưu điện, khi nói về nghề nghiệp đặc thù, thầm lặng của mình.

GMHS

          Như có mối duyên với chuyên ngành Gây mê Hồi sức, năm 1989 về đầu quân tại Bệnh viện Bưu điện (Bệnh viện khi ấy còn rất hạn chế về chuyên môn, không truyền dịch, chưa có phẫu thuật, điều kiện làm việc, khám chữa bệnh cho nhân dân rất khó khăn), Hoàng Văn Bách là một trong các bác sĩ đầu tiên được đi học thêm về hồi sức cấp cứu rồi gây mê hồi sức tại Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Việt Đức để đến năm 1990, Bệnh viện Bưu điện có thể triển khai thực hiện thành công ca mổ đầu tiên.

Lúc ban đầu cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế, phẫu thuật viên tại Bệnh viện chưa có mà phải mời các Giáo sư, Bác sĩ từ các bệnh viện lớn tới. Công tác gây mê hồi sức được coi là một khâu quan trọng trong sự thành công của ca mổ và càng ngày vị trí, vai trò của người làm GMHS càng được khẳng định. Đó cũng là động lực khích lệ Bác sĩ Hoàng Văn Bách ngày càng thêm đam mê, gắn bó với công việc. Anh nói, anh rất yêu công việc của mình vì đã góp phần giữ được nhịp sống cho người bệnh, nhất là các ca bệnh nặng, ca cấp cứu hiểm nghèo. Cũng như tất cả các đồng nghiệp, Bác sĩ Bách luôn tâm niệm GMHS là khâu đặc biệt quan trọng, là chỗ dựa vững chắc cho các phẫu thuật viên thực hiện các ca phẫu thuật, thủ thuật lớn, duy trì và đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh. Để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra, người làm GMHS phải tâm huyết, trách nhiệm với nghề nghiệp, hết lòng với người bệnh; mọi phương tiện, dụng cụ phải được chuẩn bị sẵn sàng, vô khuẩn, phù hợp; luôn có sẵn thuốc, dịch truyền và máu đảm bảo cấp cứu kịp thời, bảo vệ tính mạng cho người bệnh.

Đối với một bác sĩ nói chung và người làm việc trong lĩnh vực GMHS nói riêng, nếu chỉ bằng lòng với những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã có thì cũng đồng nghĩa với tụt hậu. Ý thức rõ điều này, Bác sĩ Hoàng Văn Bách một mặt chú tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, mặt khác dành thời gian tiếp tục tham dự các khóa học về Gây mê Hồi sức tại các cơ sở đào tạo có uy tín. Vào tháng 7/2012, anh bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ đúng chuyên ngành mà anh tâm huyết. Gần 30 năm gắn bó với Bệnh viện Bưu điện, anh đã chủ trì nhiều công trình nghiên cứu khoa học đề tài nhánh cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở được đăng tải trên nhiều tạp chí y học có uy tín và ứng dụng có hiệu quả vào quá trình phẫu thuật, gây mê và hồi sức trong thực tế điều trị. Tiêu biểu là các đề tài: “Nghiên cứu gây mê bằng mask thanh quản Proseal trong các trường hợp tiên lượng đặt nội khí quản khó”; “Nghiên cứu giảm đau sau phẫu thuật bụng và hai chi dưới bằng hỗn hợp bupivacaine – fentanyl qua catheter ngoài màng cứng do người bệnh tự điều khiển”; “Đánh giá tác dụng gây tê tủy sống của bupivacaine – fentanyl liều thấp trong mổ nội soi u phì đại lành tính tuyến tiền liệt”; “Nghiên cứu điều chỉnh độ mê bằng điện não số hóa trong gây mê hô hấp bằng sevofluran”; “Khởi mê tĩnh mạch bằng kỹ thuật TCI – Propofol kết hợp theo dõi độ mê bằng Entropy”,v.v…

Ở cương vị Trưởng khoa từ năm 2000 đến nay, Bác sĩ Hoàng Văn Bách với chuyên môn vững vàng cùng năng lực quản lý, điều hành và quan trọng nhất luôn xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ của đơn vị mình phụ trách; đồng thời đề xuất, tham mưu với Ban lãnh đạo Bệnh viện mục tiêu phát triển lâu dài của Bệnh viện. Là Ủy viên Ban chấp hành Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, anh đã có nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển chuyên môn cũng như tổ chức của hội. Đề tài nghiên cứu khoa học của anh được thực hiện đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực gây mê theo nồng độ đích tại não, sử dụng điện não để điều chỉnh độ mê nhằm làm giảm thiểu tai biến gây mê như sự thức tỉnh do mê nông, tụt huyết áp do mê quá sâu, mê nhanh, tỉnh nhanh, làm giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Đề tài này đã được nhiều bác sĩ gây mê trong cả nước tham khảo áp dụng và đây cũng là đề tài nhánh cấp nhà nước được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và nghiệm thu giai đoạn 2013 – 2015.

Với số lượng ca mổ tại Bệnh viện Bưu điện trung bình xấp xỉ 9.000 ca/năm thuộc nhiều chuyên khoa, những đóng góp và cống hiến của Bác sĩ Hoàng Văn Bách và Khoa GMHS của Bệnh viện Bưu điện đã góp phần làm giảm tải cho các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và hạn chế các biến chứng nặng, tử vong cho người bệnh vì được mổ kịp thời. Anh cũng là người đi đầu và thực hiện thuần thục nhiều kỹ thuật y học hiện đại ngay tại Bệnh viện Bưu điện như: gây mê cho nội soi can thiệp, giảm đau trong đẻ, giảm đau sau mổ do người bệnh tự kiểm soát nhằm phục hồi vận động sớm và tránh được các biến chứng do đau gây ra, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh…

Một điều không thể không nhắc đến đó là những đóng góp của TTƯT, Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Bách đối với thành công của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (TTHTSS) – Bệnh viện Bưu điện. TTHTSS được thành lập và phát triển tốt như hiện nay đã giúp rất nhiều gia đình hiếm muộn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hoàn thành tâm nguyện thiêng liêng trên hành trình đi tìm con trẻ không thể thiếu sự đóng góp của Bác sĩ Bách và Khoa Gây mê Hồi sức trong lĩnh vực vô cảm để chọc hút noãn làm thụ tinh nhân tạo.

Với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Bách luôn khẳng định vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các đồng nghiệp, nhất là những người trẻ trên con đường chinh phục tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích lũy thêm những kinh nghiệm quý trong quá trình làm việc thực tế, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Khoa GMHS cũng như Bệnh viện Bưu điện. Chưa bao giờ bằng lòng với những thành tích đã đạt được, TTƯT.TS.BS Hoàng Văn Bách vẫn luôn đau đáu hướng đến mục tiêu tiếp tục cống hiến tâm sức của mình để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, hoàn thành trọng trách nặng nề nhưng vẻ vang của “những người phải thức để giữ nhịp sống cho những người phải ngủ”.