Hình thành thói quen và ý thức tự giác phòng chống COVID-19

15 Tháng Chín , 2020

Chủ động và luôn đặt công tác phòng chống dịch bệnh ở mức cao nhất với quyết tâm và nhiều biện pháp hữu hiệu, Bệnh viện Bưu điện cùng với các cơ sở y tế trong toàn ngành đã góp phần ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID-19, hình thành thói quen và ý thức tự giác trong việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng trước đại dịch.

Chủ trì cuộc họp trực tuyến định kỳ hàng tuần Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Bệnh viện Bưu điện, TTƯT. ThS. BSCKII Trần Hùng Mạnh – Giám đốc Bệnh viện – Trưởng BCĐ đánh giá cao sự chủ động vào cuộc và ý thức trách nhiệm của các thành viên BCĐ và cán bộ, nhân viên y tế toàn Bệnh viện trong công tác phòng chống dịch bệnh. Do làm tốt công tác tuyên truyền, thường xuyên nhắc nhở người bệnh và người nhà nên việc tuân thủ, chấp hành đầy đủ các quy định của Bệnh viện về phòng chống dịch bệnh đã dần trở thành nền nếp. Mọi tồn tại, hạn chế được xử lý, khắc phục kịp thời ngay khi được phát hiện giúp cho việc đón tiếp, khám, tư vấn, điều trị cho người bệnh được thuận lợi, đảm bảo an toàn, đúng quy trình, quy định.

Tiếp tục duy trì việc kiểm soát thân nhiệt, sàng lọc dịch tễ và hoạt động của các phòng khám cách ly tại 2 cơ sở của Bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội, Trưởng BCĐ Phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho biết: tính đến sáng ngày 14/9/2020, cả nước không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng trong 12 ngày qua. Đây là một thông tin khả quan, tuy nhiên hiện tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tại một số nước sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch đã bùng phát dịch trở lại. Theo tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 9h sáng ngày 14/9, toàn thế giới đã vượt 29 triệu người mắc COVID-19, dịch bệnh đã xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/9 đã ghi nhận mức tăng số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ cao kỷ lục, với gần 308.000 trường hợp trên khắp thế giới, số ca tử vong cũng tăng thêm hơn 5.500 người, nâng tổng số người thiệt mạng do đại dịch đến nay lên 900.000 trường hợp.  Ở Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn luôn hiện hữu. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp chung sống an toàn, nhất là trong giai đoạn hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Không hoang mang, lo lắng thái quá nhưng cũng không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh, mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần tiếp tục cập nhật thông tin về dịch bệnh, tự giác tuân thủ, thực hành tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người bệnh, người nhà của họ và nhân dân trong cộng đồng cùng biết cách phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe. Đây cũng là giải pháp được BCĐ nhấn mạnh và lưu ý các Trung tâm, Khoa, Phòng, đơn vị trực thuộc nghiêm túc phối hợp thực hiện.