Khi “NGHỀ” đã chọn đúng “NGƯỜI”

19 Tháng Tư , 2018

Chẳng biết có phải là cơ duyên không, nhưng nghề Y là nghề nghiệp mà tôi yêu thích và mơ ước từ nhỏ. Chính vì thế khi lớn lên, thi đỗ vào trường Trung cấp Y Bạch Mai rồi sau này tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành điều dưỡng tại Đại học Y Hà Nội, hơn 12 năm gắn bó với Bệnh viện Bưu điện trong tôi lúc nào cũng tâm niệm một điều – “Nghề chọn người”, để không ngừng phấn đấu, hoàn thiện mình, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp chữa bệnh, cứu người, mang tới sức khỏe, niềm vui cho thật nhiều người bệnh.

nen 4

Nói về nguyên nhân khiến mình gắn bó với nghề Y, với Bệnh viện Bưu điện, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Nguyễn Thị Thùy Linh đã bộc bạch như thế. Chị tâm sự, công việc của người điều dưỡng ở một khoa mà bệnh nhân chủ yếu thuộc diện nặng hoặc rất nặng có đặc thù riêng, nếu có lúc nào đó quá vất vả hoặc mệt mỏi chị lại nhớ những ngày còn nhỏ, mỗi lần chú ruột của chị là bác sĩ công tác trên Hà Nội về thăm quê là đông đảo bà con họ hàng, làng xóm lại tới nhờ chú thăm khám, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe. Người bình thường đã thế, những người đau yếu và bệnh nặng còn cần tới bác sĩ và nhân viên y tế biết chừng nào. Thế là mọi mệt mỏi gần như tan biến hết, cùng với các đồng nghiệp của mình, Thùy Linh lại tận tụy làm việc, cống hiến. Cho dù ca trực ngày hay ban đêm, ngay từ khi mới tốt nghiệp trung cấp Y hệ điều dưỡng đa khoa Thùy Linh đã luôn ý thức về việc học hỏi, rèn luyện. “Trăm hay không bằng tay quen”, bất cứ lúc nào có cơ hội chị lại tự giác học, tình nguyện xin với bác sĩ và các anh chị đồng nghiệp đi trước cho mình được  làm việc, phục vụ bệnh nhân.

Yêu nghề, xông xáo, tận tụy với nghề, nữ điều dưỡng Thùy Linh đã nhanh chóng trưởng thành trong công việc, tay nghề chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Được bác sĩ và người bệnh tin tưởng, quý mến, năm 2012 chị vinh dự được Lãnh đạo Bệnh viện và Khoa Hồi sức cấp cứu giao nhiệm vụ Điều dưỡng trưởng của Khoa. Làm nhiệm vụ của một điều dưỡng chỉ phải quan tâm, lo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn một cách tốt nhất, còn khi được giao nhiệm vụ mới, trách nhiệm nặng nề hơn đôi khi chị cũng không tránh khỏi những áp lực. Bởi ngoài chuyên môn Thùy Linh còn phải đảm nhiệm thêm công tác quản lý gần hai chục con người, trong đó có những người hơn cô cả về tuổi đời và tuổi nghề và được ví như  người ‘’quản gia’’ của khoa Hồi sức cấp cứu. Làm thế nào để tập thể luôn đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, chăm sóc người bệnh chu đáo, an toàn và nhanh phục hồi nhất? Trăn trở với những điều này, bên cạnh việc tự giác, chủ động hoàn thành tốt phần việc chuyên môn, phối hợp chặt chẽ cùng bác sĩ và đồng nghiệp trong mọi hoạt động khám chữa bệnh, điều trị nội trú tại khoa, Thùy Linh luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn, giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ cùng tiến bộ.

nen 2

Năm 2017, Khoa Hồi sức cấp cứu là đơn vị được Lãnh đạo Bệnh viện chọn triển khai thực hiện thí điểm mô hình chăm sóc người bệnh một cách toàn diện, làm cơ sở cho việc triển khai ra diện rộng trong toàn Bệnh viện. Khỏi phải nói những khó khăn mà các điều dưỡng gặp phải lúc ban đầu. Với bệnh nhân bình thường việc chăm sóc phục vụ đã khó, đối với các bệnh nhân nặng như chấn thương sọ não, viêm phổi cấp, tắc nghẽn phổi mạn tính, đột qụy… thì việc chăm sóc càng thêm vất vả hơn. Ngoài sự cẩn thận, khéo léo, người điều dưỡng còn phải có kiến thức chuyên môn sâu, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng với các đồng nghiệp khác trong quá trình chăm sóc, cho ăn, tắm rửa, vệ sinh cho bệnh nhân. Bởi với các bệnh nhân nặng, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người khác thì một người không thể chăm sóc, phục vụ được. Vừa làm, vừa học hỏi rồi tự đúc kết, rút ra những kinh nghiệm thiết thực nhằm triển khai thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh được hiệu quả hơn, chỉ sau 1 thời gian ngắn mô hình mới này đã được người bệnh và gia đình ghi nhận, đánh giá cao; được lãnh đạo Bệnh viện chỉ đạo rút kinh nghiệm và triển khai trong toàn viện từ ngày 01/01/2018.

nen 1

Rất tự hào vì được là một thành viên của Bệnh viện Bưu điện, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết, bản thân chị và đồng nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công việc, không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để hỗ trợ bác sĩ một cách hiệu quả nhất trong việc theo dõi, điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, chị sẽ tiếp tục hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, cùng tập thể bác sĩ, điều dưỡng trong Khoa triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình chăm sóc người bệnh một cách toàn diện, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Đến bây giờ, hoàn toàn có thể xác quyết rằng, cơ duyên của người Điều dưỡng trưởng này với nghề Y là có thật; và với chị, “nghề” đã chọn đúng “người”./.