Nâng cao chất lượng khám, điều trị, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân tim mạch

27 Tháng Ba , 2020

Với đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch, Đơn vị tim mạch thuộc Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bưu điện đã điều trị, cấp cứu thành công các ca bệnh khó, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân. Từ đầu tháng 3/2020, việc được Lãnh đạo Bệnh viện tạo điều kiện trang bị, bổ sung thêm 1 số phương tiện mới, hiện đại trong đó có hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) đã giúp cho các y bác sĩ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả hơn. Đồng thời cũng giúp người bệnh được thụ hưởng các kỹ thuật can thiệp tim mạch hiện đại ngay tại Bệnh viện, giảm chi phí điều trị. Với sự hỗ trợ kịp thời của thiết bị này, các y bác sĩ của Bệnh viện Bưu điện tranh thủ được thời gian vàng trong bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp và tối cấp, đem lại cơ hội sống cao hơn cho người bệnh.

Hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) giúp người bệnh

được thụ hưởng các kỹ thuật can thiệp tim mạch hiện đại ngay tại Bệnh viện Bưu điện.

Sau năm ngày điều trị, đến hôm nay, sức khỏe của bà Đỗ Thị Tr. (80 tuổi) ở Quận Hoàng Mai. TP Hà Nội đã cơ bản ổn định và chuẩn bị được ra viện. Nhớ lại lúc mới nhập viện, bà Tr cho biết, khi đó bà cảm thấy trong người rất mệt mỏi, khó thở, hoa mắt, chóng mặt. Vốn có tiền sử tăng huyết áp, bà Tr. vẫn uống thuốc điều trị bệnh này theo chỉ định của bác sĩ. Nhận thấy sự bất thường khi cơ thể càng lúc càng mệt như muốn ngất đi, bà Tr. được con cháu đưa tới khám tại Bệnh viện Bưu điện. Sau khi khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ loại trừ khả năng bà Tr. bị nhồi máu cơ tim cấp và được chẩn đoán bị block (nghẽn) nhĩ thất độ 3 (bệnh tắc nghẽn dẫn truyền trong tim), quả tim chỉ còn đập 30 nhịp/phút. Sau khi hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Đỗ Thị Tr. được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trước khi đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn 2 buồng tim dưới sự hỗ trợ của hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).

Các bác sĩ BVBĐ đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn 2 buồng tim cho bệnh nhân Đỗ Thị Tr.

Bệnh nhân Đỗ Thị Tr. trước lúc ra viện.

Th.S. Bs Nguyễn Anh Dũng – Đơn vị Tim mạch – Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Đỗ Thị Tr. cho biết: Trái tim của chúng ta là một khối cơ rỗng co bóp liên tục đều đặn 60-80 lần mỗi phút. Hàng triệu tế bào của trái tim đáp ứng với những xung động điện rất nhỏ. Đặc biệt có một vùng ở phía trên của tâm nhĩ phải có khả năng phát xung động điện cho tất cả các tế bào cơ tim gọi là nút xoang. Bình thường nút xoang phát xung động đều đặn khoảng 60-80 lần mỗi phút. Nút xoang có thể phát xung động nhanh hơn khi nhu cầu ôxy cơ thể cao hơn như khi gắng sức, xúc động, sốt cao… Nằm giữa tâm nhĩ và tâm thất cũng có một vùng tế bào đặc biệt được gọi là nút nhĩ thất có tác dụng dẫn truyền và kiểm soát các xung động điện từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Xung động điện phát ra từ nút xoang, lan truyền đến tâm nhĩ làm các tâm nhĩ co bóp, biểu hiện bằng sóng p trên điện tâm đồ. Xung động truyền tiếp xuống nút nhĩ thất, bó His, tới mạng lưới Purkinje làm tâm thất co bóp, biểu hiện bằng phức bộ QRS trên điện tâm đồ. Khi các xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị cản trở tại nút nhĩ thất hoặc bó His với các mức độ khác nhau thì người ta gọi là bị block nhĩ thất. Tùy vào mức độ tắc nghẽn, sự dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất mà người ta chia block nhĩ thất thành 3 độ khác nhau, trong đó độ 3 là độ nặng nhất.

 Đối với trường hợp của bệnh nhân Đỗ Thị Tr. được chẩn đoán block nhĩ thất độ 3, hay còn gọi block nhĩ thất hoàn toàn là bệnh lý của đường dẫn truyền điện học ở trong tim, tại đó những xung động được phát ra từ nút xoang ở tâm nhĩ không dẫn truyền xuống tâm thất được. Các bệnh nhân bị block nhĩ thất độ III thường có nhịp tim rất chậm (dưới 40 nhịp/phút), huyết áp thấp do vậy lưu lượng tuần hoàn thường không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cơ thể. Trong một số trường hợp, bệnh nhân không thể hoạt động thể lực được một cách bình thường, thậm chí ngất xỉu và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Block nhĩ thất độ 3 có thể điều trị bằng cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

Th.S. Bs Nguyễn Anh Dũng và các đồng nghiệp khám, điều trị cho bệnh nhân tim mạch

với sự hỗ trợ của các trang thiết bị y tế hiện đại.

Cũng theo Th.S.Bs Nguyễn Anh Dũng, cùng với cấy máy tạo nhịp tim điều trị rối loạn nhịp tim chậm, từ khi đưa vào sử dụng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA (Digital Subtraction Angiography) đã hỗ trợ các bác sĩ của Bệnh viện Bưu điện dễ dàng chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim – mạch máu như: bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc có các bệnh lý liên quan đến động mạch vành, động mạch cảnh, động mạch não, động mạch ngoại vi…và một số u nội tạng. Với nhiều tính năng vượt trội, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA sẽ hỗ trợ, giúp bác sĩ phát hiện sớm các bất thường của mạch máu (hẹp, tắc nghẽn, phình, dị dạng…), từ đó chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, hiệu quả các bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến hệ tuần hoàn.