“Ngôi nhà” thứ 2 của người bệnh

3 Tháng Năm , 2018

Năm nay 62 tuổi, ông Trần Hữu Tài ở Văn Giang (Hưng Yên) đã có đến 13 năm điều trị tại Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bưu điện. Từ 2004 đến nay, cứ đều đặn mỗi tuần 3 lần, ông lại từ quê lên viện để chạy thận nhân tạo, chưa bao giờ bị lỡ hẹn hay phải chờ đợi lâu. Hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là tinh thần, thái độ ân cần, tận tình, chu đáo của các y bác sĩ nơi đây dường như đã làm vơi bớt nỗi vất vả, nhọc nhằn bởi đường sá xa xôi, trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh giúp ông vượt lên bệnh tật, nỗ lực hơn trong cuộc sống.

NEN 3

TTƯT.TS.BS Đỗ Văn Tráng – Giám đốc Bệnh viện Bưu điện cùng Lãnh đạo Bệnh viện

và các thày thuốc Khoa Thận Nhân tạo tới thăm hỏi, động viên bệnh nhân đang điều trị tại Khoa.

Trong số hơn 100 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa, những trường hợp như ông Tài không phải là ít. Họ cũng chính là những người cùng chứng kiến từng bước đổi thay của nơi đã và đang ngày đêm gắn bó, chăm lo cho từng dòng chảy trong huyết quản của mình. Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7/2003 tại Cơ sở II của Bệnh viện Bưu điện, Khoa Thận nhân tạo lúc đầu chỉ có 2 bác sĩ, 1 kỹ thuật viên và 2 điều dưỡng với 4 máy chạy thận nhân tạo, chủ yếu điều trị lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân bị bệnh suy thận mãn và một số ít trường hợp suy thận cấp ở các khoa khác chuyển đến. Trung bình một ngày chạy 2 ca bệnh, toàn Khoa điều trị cho khoảng 12 bệnh nhân.

NEN 6

Cùng với sự lớn mạnh về số lượng, trưởng thành về tay nghề chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, kỹ sư…, đến nay Khoa đã có 17 máy lọc máu thận nhân tạo, trong đó có 1 máy HDF onlinemới được bổ sung tháng 8/2017.Đây được coi là một trong những thiết bị ưu việt nhất hiện nay. Nếu như máy loại HD chỉ lọc được một số phân tử chất độc để duy trì sự sống cho con người thì máy HDF online lại lọc thêm được các độc tố khác làm hạn chế biến chứng của bệnh nhân suy thận mãn phải lọc máu chu kỳ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

NEN 1

Để phục vụ hệ thống máy chạy thận nhân tạo hoạt động thường xuyên, đảm bảo chất lượng, an toàn, Khoa Thận nhân tạo được Bệnh viện trang bị 2 hệ thống nước RO đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Hiện Khoa đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, lọc máu chu kỳ và các bệnh nhân cấp cứu do các bệnh lý về thận từ các khoa khác. Với tần suất thực hiện 3 ca/ngày, mỗi ca phục vụ lọc máu cho 16 – 17 bệnh nhân, công việc của các bác sĩ, nhân viên y tế trong Khoa thường bắt đầu từ lúc 6h sáng, kết thúc ca cuối ngày lúc 22h, làm việc kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Trung bình mỗi ca có 1 bác sĩ, 8 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên, 1 hộ lý và 1 kỹ sư bảo trì bảo dưỡng máy móc. Về quy trình chạy thận, sau khi kiểm tra huyết áp và các chỉ số theo quy định, bệnh nhân sẽ được lấy máu để lọc qua hệ thống máy móc hiện đại đã được khử trùng đạt quy chuẩn trước đó. Sau khi lọc sạch, máu được đưa trở lại cơ thể người bệnh. Trong suốt quá trình 4 tiếng cho 1ca lọc máu, các bệnh nhân luôn được theo dõi sát sao, phát hiện các biến chứng – nhất là sốc phản vệ (nếu có) để can thiệp và xử lý kịp thời. Cùng với đội ngũ nhân viên lành nghề, Khoa luôn thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ, chặt chẽ các quy định từ kiểm soát chống nhiễm khuẩn đến quy trình vận hành trang thiết bị. Hệ thống máy lọc máu và hệ thống nước RO thường xuyên được bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ để vận hành tốt, phục vụ kịp thời công tác điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

NEN 7

Hơn 100 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa, người ít cũng vài năm, người nhiều thì đã gắn bó với Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bưu điện đến 13 năm; trung bình mỗi tuần 3 lần vào thực hiện lọc máu. Mỗi bệnh nhân một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần đều là người nghèo. Người còn sức khỏe thì đi từ nhà tới viện lọc máu rồi về; người sức khỏe yếu và khó khăn hơn, quê lại ở xa thì thuê luôn nhà ở gần viện để tiện cho việc điều trị.Vốn dĩ khi bị bệnh thận mạn, sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ suy thận, người bệnh còn bị suy tim, suy hô hấp, có người lại bị các bệnh về phổi hoặc đái tháo đường…, cơ thể rất mệt mỏi, thể chất xuống cấp, tinh thần chán nản, bi quan, căng thẳng… Đối với các bệnh nhân bị bệnh thận cấp, nhiều người được điều trị kịp thời đã khỏi bệnh, tuy nhiên đối với những trường hợp bị thận mạn thì các bệnh nhân đều xác định phải chung sống với bệnh tật đến cuối đời, chính vì vậy, để việc điều trị được hiệu quả, bên cạnh việc đảm bảo các yêu cầu về vô trùng, tiệt khuẩn, vệ sinh y tế cùng quy trình chuyên môn rất khắt khe, nghiêm ngặt, các y bác sĩ, nhân viên trong Khoa luôn tâm niệm cần phải chia sẻ, động viên kịp thời, giúp người bệnh tự tin, lạc quan, chấp nhận đối diện với bệnh tật, phối hợp tích cực với bác sĩ, kiên trì điều trị.

NEN 4

Bác sĩ Đoàn Thị Hoài Châu – Trưởng Khoa Thận Nhân tạo (người ngồi) và các đồng nghiệp.

Từ chỗ chỉ có trên dưới chục bệnh nhân, chủ yếu là cán bộ, nhân viên trong ngành, hiện Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bưu điện đã trở thành địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực này bởi chất lượng điều trị, đặc biệt là tinh thần y đức của các bác sĩ, nhân viên y tế. Nhiều bệnh nhân từ Thanh Hóa, Sơn La, Cao Bằng, Tuyên Quang… vì tin tưởng vào chất lượng điều trị, yêu mến sự tận tâm, trách nhiệm của các bác sĩ không ngại xa xôi tự nguyện xin chuyển về điều trị tại Bệnh viện.Trong năm 2017 Khoa đã thực hiện hơn 14.534 ca lọc máu đảm bảo an toàn.Khoa Thận nhân tạo cũng là điểm tựa, phối hợp chặt chẽ với các khoa khác, sẵn sàng hỗ trợ trong công tác khám, cấp cứu, điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân.

Năm 2018 này Khoa Thận nhân tạo bước sang tuổi thứ 15 – Độ tuổi còn non trẻ so với lịch sử hơn 60 năm xây dựng và phát triển của Bệnh viện Bưu điện, cũng như chuyên ngành Thận nhân tạo của nhiều bệnh viện lớn, song với những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, kỹ sư chắc chắn Khoa Thận nhân tạo sẽ tiếp tục có những bước trưởng thành mạnh mẽ, xứng đáng với niềm kỳ vọng của người bệnh khi yên tâm giao phó sức khỏe, tính mạng cho nơi mà họ luôn tin tưởng coi là “ngôi nhà thứ hai” của mình.