Ở “tuyến đầu” giành sự sống.
Trong suốt ca mổ, bác sĩ gây mê làm nhiệm vụ “canh gác” tất cả dấu hiệu sinh tồn của người bệnh và hầu như bất kỳ khi nào “có biến” trong phòng mổ, bác sĩ gây mê cũng ở tuyến đầu: bệnh nhân mất máu quá mức, rối loạn kiềm toan, rối loạn đông máu, thay đổi nhiệt độ… Người bệnh có chỉ định thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, khi đã vào đến phòng mổ tức là giao trọn tính mạng vào tay các bác sĩ. Không chỉ đơn thuần là một mũi tiêm, là những thao tác gây tê, gây mê, đặt nội khí quản…, đây chính là khâu vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của ca phẫu thuật. Nói cách khác, những người làm công tác gây mê hồi sức chính là những thầy thuốc ở tuyến đầu giành sự sống.
Ngày 30/11/2017 là một ngày vất vả như bao ngày trong năm đối với bác sĩ Hoàng Văn Bách, Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức – Bệnh viện Bưu điện và êkíp thực hiện nhiệm vụ gây mê hồi sức cho các ca phẫu thuật, thủ thuật. Ngay từ sáng sớm, tất cả 9 phòng mổ của Bệnh viện đều kín bệnh nhân. Ngoài mổ đẻ, mổ mắt, nội soi cắt túi mật, cắt u nang thanh quản, các bác sĩ gây mê hồi sức còn tham gia hỗ trợ các ca tán sỏi qua da, mổ dạ dày…
Trong số các bệnh nhân thực hiện phẫu thuật sáng hôm đó, ông Nguyễn Văn K. (55 tuổi), ở Từ Liêm – Hà Nội được chỉ định cắt túi mật nội soi. Để phục vụ cho cuộc mổ, sau khởi mê, các bác sĩ gây mê đã tiến hành đặt nội khí quản để gây mê nội khí quản, một kỹ thuật gây mê mà các bác sỹ vẫn làm thường quy như mọi ngày. Lúc này các bác sĩ mới phát hiện bệnh nhân là một trong các trường hợp hiếm gặp, rất khó đặt nội khí quản do bất thường về giải phẫu vùng hạ họng, thanh quản. Tình huống khi đó thật nguy cấp bởi người bệnh sau khởi mê sẽ không tự thở được, sự sống phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung cấp ôxy qua hệ thống nội khí quản. Nếu chậm đặt ống nội khí quản sẽ dẫn đến tình trạng không cung cấp được ôxy đến não, tính mạng của người bệnh sẽ bị đe doạ và nguy hiểm. Hiểu rõ mức độ nguy cấp và tình trạng của người bệnh, với trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề, Bác sĩ Bách đã bình tĩnh chỉ đạo, phối hợp với cả êkíp nhanh chóng thực hiện các kỹ thuật cần thiết để đảm bảo thông khí kịp thời cho người bệnh. Và trong “trận chiến” cam go với tử thần ấy, họ – những “thầy thuốc ở tuyến đầu giành sự sống” đã thêm một lần chiến thắng vẻ vang.
Như đã nói ở trên, khi đã vào đến phòng mổ, tính mạng người bệnh được giao phó hoàn toàn vào tay nhân viên y tế. Thuốc mê là “thuốc độc”, ai cũng biết điều đó nhưng đa phần bệnh nhân buộc phải dùng tới mỗi khi lên bàn mổ. Người khống chế “thuốc độc” để trở thành “trợ thủ” không thể làm tổn hại người bệnh, giúp cho quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, không đau đớn và an toàn chính là bác sĩ gây mê. Không có công thức chung nào cho tất cả mọi trường hợp vì mỗi bệnh nhân có bệnh cảnh khác nhau, ngưỡng chịu đau khác nhau, đấy là chưa kể đa số người bệnh còn có các bệnh lý kèm theo. Nếu không cẩn trọng, chỉ cần thiếu một chút thuốc, bệnh nhân tỉnh dậy giữa cuộc phẫu thuật sẽ gây rất nhiều khó khăn cho bác sĩ mổ; Thừa một chút thuốc, bệnh nhân sẽ rất lâu mới tỉnh dậy. Người bệnh phẫu thuật đâu chỉ dùng thuốc mê, bác sĩ gây mê còn phải phối hợp thuốc mê với hàng loạt loại hóa chất khác tùy từng cuộc mổ: thuốc giãn cơ, vận mạch, co mạch, giãn mạch, tăng co bóp cơ tim… vì vậy có rất nhiều những biến cố luôn rình rập. Ngay cả khi ca mổ kết thúc, nhưng công việc gây mê hồi sức chưa dừng lại ở đó; giai đoạn thoát mê, hồi tỉnh là giai đoạn có nhiều biến chứng xảy ra nhất, vì vậy các bác sỹ và điều dưỡng phải theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh như nhịp tim, huyết áp, hô hấp, thần kinh, chảy máu…nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các rối loạn khi mới bắt đầu xảy ra.
Thực tế đã chứng minh, gây mê hồi sức là khâu đặc biệt quan trọng, là chỗ dựa vững chắc cho các phẫu thuật viên thực hiện các ca mổ, thủ thuật lớn, duy trì và đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh. Theo bác sĩ Hoàng Văn Bách, việc phát hiện, xử trí tình huống kịp thời, đặc biệt nhờ có sự hỗ trợ của các trang thiết bị và phương tiện hiện đại để thực hiện đặt nội khí quản trong các trường hợp khó như: đặt nội khí quản có camera, ống nội soi mềm… giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ gây mê hồi sức hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho các cuộc mổ. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Bệnh viện Bưu điện, Khoa Gây mê Hồi sức ngày càng lớn mạnh cùng với sự phát triển của Bệnh viện. Về điều kiện cơ sở vật chất, Khoa gồm hệ thống các phòng mổ, phòng hồi tỉnh, hồi sức sau mổ. Hiện Bệnh viện Bưu điện có 9 phòng mổ với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho lĩnh vực gây mê hồi sức như: các máy gây mê kèm thở, máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, các phương tiện đặt nội khí quản, các trang thiết bị phục vụ cho phẫu thuật, thủ thuật vào loại tiên tiến bậc nhất.
Tuy nhiên, cùng với những trang thiết bị hiện đại, để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra, đòi hỏi người làm công tác gây mê hồi sức phải tâm huyết với nghề nghiệp, tận tâm với người bệnh; mọi phương tiện, dụng cụ phải được chuẩn bị sẵn sàng, vô khuẩn, phù hợp; luôn có sẵn thuốc, dịch truyền và máu; đảm bảo cấp cứu kịp thời, bảo vệ tính mạng cho người bệnh.
Với đội ngũ cán bộ, bác sĩ được đào tạo chuyên khoa sâu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chuyên môn ở mức cao nhất, hiện Khoa Gây mê Hồi sức có thể triển khai thực hiện hầu hết các phẫu thuật, thủ thuật khó đảm bảo an toàn về gây mê và hồi sức. Năm 2017, Khoa tiếp tục áp dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực gây mê hồi sức, thực hiện thành công 9.600 ca phẫu thuật, đạt 113% so với kế hoạch và tăng 31% so với thực hiện cùng kỳ năm 2016 (trong đó có gần 52% phẫu thuật là loại đặc biệt và loại I).
Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, cùng với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, tập thể cán bộ, nhân viên Khoa Gây mê Hồi sức – Bệnh viện Bưu điện sẽ không ngừng rèn luyện, cống hiến, tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh là những thầy thuốc trên tuyến đầu giành sự sống cho người bệnh.