Tạo phúc cho đời

19 Tháng Ba , 2018

Gần 30 năm gắn bó với nghề Y, trải qua nhiều công việc ở các chuyên khoa khác nhau, từng khám, điều trị và cứu chữa cho không biết bao nhiêu bệnh nhân nặng khỏi bệnh, trở về với cuộc sống đời thường, bác sĩ Đoàn Thị Hoài Châu – Trưởng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bưu điện chưa bao giờ ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và y đức chỉ với một mong muốn duy nhất: Cứu giúp thật nhiều người bệnh.

NEN 1

Bác sĩ Đoàn Thị Hoài Châu – Trưởng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bưu điện (người ngồi giữa)

“Có sức khỏe là có tất cả” – Những ai đã từng bị đau ốm, nhất là những người không may mắc phải các bệnh mạn tính hoặc bệnh hiểm nghèo sẽ càng thấm thía điều này. Bởi vậy, mỗi khi sức khỏe có vấn đề, người bệnh phải tới bệnh viện khám và điều trị, người mà họ trông đợi, kỳ vọng nhiều nhất chính là các thầy thuốc. Bác sĩ Hoài Châu chia sẻ chính những lần chị bị ốm phải tới bệnh viện khám, điều trị khi còn nhỏ đã nhen lên trong cô gái trẻ quyết tâm thi đỗ Đại học Y Hà Nội.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành đa khoa Nội nhi năm 1989, sau thời gian làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai, năm 1992 Bác sĩ Châu chuyển về công tác tại Bệnh viện Bưu điện và gắn bó với nơi này từ đó. Hơn 11 năm vừa làm bác sĩ điều trị vừa đảm nhiệm công tác quản lý tại Khoa Hồi sức cấp cứu – một trong những Khoa có cường độ và áp lực khá cao bởi phần lớn các bệnh nhân đều ở thể nặng hoặc rất nặng, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh, nhưng đây cũng chính là quãng thời gian cho chị nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm quý trong công tác trị bệnh cứu người. Rất nhiều ca bệnh khó được chẩn đoán, điều trị hiệu quả tại Khoa, cũng có nhiều bệnh nhân quá nặng phải chuyển lên tuyến trên, nhớ lại quãng thời gian này Bác sĩ Châu chia sẻ: Làm việc tại các Khoa áp lực công việc cao, nhiều bệnh nhân nặng cái khó nhất chính là tiên lượng bệnh. Nhiều bệnh nhân lúc mới nhập viện có biểu hiện bình thường song thực tế bệnh đã bắt đầu có diễn tiến nặng. Nếu ngay từ khâu khám, chẩn đoán rõ ràng sẽ giúp bác sĩ tiên lượng chính xác để có phương hướng, liệu pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Tất cả những điều này không phải tự nhiên mà có, vì vậy ngay từ khi còn học ở giảng đường, Bác sĩ Châu đã xác định gắn bó với nghề Y là luôn phải có ý thức học hỏi, rèn luyện để nâng cao tay nghề, vốn sống cũng như kiến thức, kỹ năng thực hành mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Tin tưởng vào tay nghề và tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc và người bệnh của Bác sĩ Đoàn Thị Hoài Châu, năm 2003 khi Bệnh viện Bưu điện phát triển thêm Khoa Lọc máu (nay là Khoa Thận nhân tạo), Bác sĩ Châu được giao nhiệm vụ Phó khoa. Không thể nói hết những khó khăn, vất vả của những ngày đầu mới thành lập trong điều kiện xung quanh là các bệnh viện lớn với chuyên khoa Thận đã có bề dày kinh nghiệm song bằng ý chí quyết tâm mà trên hết là tình thương, sự đồng cảm đối với những người không may mắc bệnh thận mãn, Bác sĩ Châu cùng tập thể lãnh đạo, nhân viên Khoa Lọc máu đã nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Rất may mắn trong suốt quãng thời gian khó khăn ấy, Khoa không chỉ được Lãnh đạo Bệnh viện Bưu điện tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, điều trị các bệnh lý về thận mà cán bộ, thầy thuốc trong Khoa còn thường xuyên nhận được sự trợ giúp, hỗ trợ, tận tình hướng dẫn về chuyên môn của các giáo sư, bác sĩ chuyên ngành Thận nhân tạo từ các bệnh viện lớn.

NEN 3

Từ một chuyên khoa non trẻ với vài ba máy lọc máu, số lượng bệnh nhân tới khám, điều trị thưa thớt buổi ban đầu, đến nay Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bưu điện đã trở thành địa chỉ tin cậy, có tiếng trong ngành Y khu vực phía Bắc bởi y đức, chất lượng điều trị với những giàn máy lọc máu hiện đại, an toàn, phục vụ hơn 100 bệnh nhân suy thận mãn phải lọc máu thường xuyên và các trường hợp lọc máu cấp cứu. Lãnh đạo, đồng nghiệp đánh giá, thành công ấy có một phần công sức không nhỏ của BSCKII Đoàn Thị Hoài Châu.Thế nhưng chị lại cho rằng đó là đóng góp của cả tập thể, cá nhân chị chỉ là người đã biết tập hợp, đoàn kết, khích lệ tập thể cán bộ, thầy thuốc và nhân viên trong Khoa cùng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để hỗ trợ người bệnh một cách tốt nhất, giúp họ vượt qua mặc cảm và mệt mỏi do đau ốm, bệnh tật giày vò, tập thể Khoa luôn tập trung giữ vững và phát huy truyền thống y đức đã trở thành thương hiệu của Bệnh viện Bưu điện. Chính điều này cũng là một trong những điểm nhấn thu hút sự quan tâm, gắn bó của người bệnh đối với Khoa Thận nhân tạo. Rất nhiều người bệnh nặng, tuổi cao và ở các tỉnh xa nhưng vẫn tha thiết gắn bó với Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bưu điện. Với họ, Bác sĩ Châu và các thầy thuốc, nhân viên y tế trong Khoa đã trở nên thân thuộc như người nhà. Đối với nhiều trường hợp có hoàn cảnh quá khó khăn, bản thân Bác sĩ trưởng Khoa Đoàn Thị Hoài Châu còn đứng ra bảo lãnh xin thêm chế độ hỗ trợ từ Bệnh viện hoặc vận động các tập thể, cá nhân hảo tâm giúp đỡ cho người bệnh.

NEN 2

Với nụ cười hồn hậu, Bác sĩ Châu luôn tâm niệm rằng nghề của mình là nghề “làm dâu trăm họ”, muốn phục vụ bệnh nhân được tốt bên cạnh ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thông qua các lớp tập huấn, đào tạo chuyên ngành, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các bệnh viện bạn, hơn ai hết mỗi bác sĩ, điều dưỡng và các kỹ sư, kỹ thuật viên trong Khoa phải có ý thức tự học, tự sáng tạo trong công việc hàng ngày.

Trong ký ức những bệnh nhân đã, đang khám, điều trị và gắn bó với nơi đây, hình ảnh nữ Bác sĩ trưởng khoa với nụ cười tươi tắn, thân thiện, rất nhiệt tình và chu đáo luôn in đậm mãi. Bất kể lúc nào, ngay cả trong ngày nghỉ, ngày lễ khi bệnh nhân cần được tư vấn, giúp đỡ chị cũng đều sẵn lòng chia sẻ, hướng dẫn, bởi với bác sĩ Đoàn Thị Hoài Châu, “Chữa bệnh cứu người, làm phúc giúp đời chính là tạo phúc cho chính mình”.