Tập huấn “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” theo Thông tư 51/2017-BYT

15 Tháng Năm , 2018

Nhằm nâng cao năng lực phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ, giúp hạn chế các biến chứng và tỷ lệ bệnh nhân tử vong do phản vệ, chiều ngày 14/5/2018, Bệnh viện Bưu điện đã tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” theo Thông tư 51/2017 của Bộ Y tế. Tất cả các bác sĩ, phòng điều dưỡng, điều dưỡng trưởng các khoa, trung tâm tại cơ sở Định Công tham dự buổi tập huấn.

NEN 2

Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, TTƯT.ThS.BS Trần Hùng Mạnh – Phó Giám đốc Bệnh viện – Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu lưu ý: Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong đó Sốc phản vệ là mức độ phản vệ hết sức nguy hiểm, nếu được cấp cứu kịp thời và đúng cách thì bệnh nhân sốc phản vệ sẽ có cơ hội được cứu sống. Ngày 29/12/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 51 hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2018, thay thế Thông tư số 08/1999 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng và cấp cứu sốc phản vệ. Theo BS Trần Hùng Mạnh, Thông tư số 51 có nhiều điểm thay đổi cơ bản so với Thông tư trước đó như: thay đổi về quan điểm (thông tư đề cập đến “phản vệ” chứ không riêng mức độ “sốc phản vệ” vì nếu đến mức độ này đã là giai đoạn muộn trong cấp cứu). Một điểm mới nữa đó là việc phân loại, chẩn đoán phản vệ theo quốc tế; thay đổi đường tiêm của mũi adrenalin cấp cứu ban đầu từ tiêm dưới da sang tiêm bắp; khoảng cách giữa các mũi tiêm nhắc lại của adrenalin được rút ngắn xuống còn 3-5 phút so với quy định 5-15 phút trước đây; đối tượng được phép tiêm adrenalin cấp cứu ban đầu được mở rộng khi không có bác sĩ tại nơi xảy ra phản vệ.

NEN 5

TTƯT.ThS.BS Trần Hùng Mạnh – Phó Giám đốc Bệnh viện – Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu

phát biểu khai mạc buổi tập huấn.

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung thành phần hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế; bổ sung hướng dẫn xử trí phản vệ với các trường hợp đặc biệt… Ngay sau khi cử người tham gia hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Thông tư 51/2017 của Bộ Y tế, Bệnh viện Bưu điện đã giao cho phòng Kế hoạch tổng hợp phối hợp với khoa Hồi sức cấp cứu triển khai tập huấn lại cho toàn thể Bệnh viện. Hội nghị Tập huấn lần này nhằm tiếp tục phổ biến, cập nhật các kiến thức về phản vệ đến tất cả các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế khác. Với các kiến thức bổ ích, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhiều bác sỹ, điều dưỡng từ các khoa, trung tâm, Lãnh đạo Bệnh viện Bưu điện mong muốn các bác sỹ, điều dưỡng cũng như toàn bộ nhân viên y tế nắm vững kiến thức và thực hành cấp cứu phản vệ theo đúng phác đồ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc và phục vụ người bệnh một cách toàn diện.

NEN 10

ThS. BS Dương Vương Trung – Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu

phổ biến  những nội dung cơ bản của Thông tư 51

NEN 4

Trong chương trình tập huấn, ThS. BS Dương Vương Trung – Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu đã phổ biến tới các học viên những nội dung cơ bản của Thông tư 51. Trong đó, tập trung vào các hướng dẫn phòng, chẩn đoán phản vệ, mức độ phản vệ, xử trí cấp cứu phản vệ, hướng dẫn xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt, hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế, sơ đồ chẩn đoán và xử trí phản vệ… Từ thực tế khám, chẩn đoán, điều trị các trường hợp bệnh nhân phản vệ tại Khoa, Bác sĩ Trung cũng nhấn mạnh một trong các triệu chứng khiến bác sĩ, điều dưỡng phải nghĩ ngay đến phản vệ đó là: 1. Mày đay, ngứa, phù mạch xuất hiện nhanh; 2. Khó thở, tức ngực, thở rít; 3. Đau bụng hoặc nôn; 4. Tụt huyết áp hoặc ngất; 5. Rối loạn ý thức. Từ đó, bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện có thể nhận biết và xử trí nhanh, cấp cứu kịp thời các bệnh nhân theo phác đồ của Bộ Y tế, hạn chế tai biến và tỷ lệ tử vong do sốc phản vệ.

NEN 7

Một số nội dung cần lưu ý trong Thông tư 51/2017:

– Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.

– Thông tư hướng dẫn về phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ, và được áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

– Thông tư quy định rõ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bác sĩ, nhân viên y tế phải đảm bảo các nguyên tắc dự phòng phản vệ: Chỉ định đường dùng thuốc phù hợp nhất, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác.

– Không phải thử phản ứng cho tất cả thuốc trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ theo hướng dẫn của thông tư, khi thử phản ứng phải được thực hiện ở chuyên khoa dị ứng – miễn dịch lâm sàng hoặc bác sĩ đã được tập huấn có chứng chỉ và phải có đầy đủ dung dịch chuẩn, dung dịch chứng cũng như sẵn sàng thuốc và trang thiết bị để xử trí phản vệ (các đơn vị y tế không có đủ các điều kiện trên thì không được tiến hành thử phản ứng).

– Phải khai thác kỹ thông tin tiền sử dị ứng của bệnh nhân, ghi vào phiếu và lưu vào hồ sơ bệnh án.

– Không được kê đơn thuốc, chỉ định dùng thuốc hoặc dị nguyên đã biết rõ gây phản vệ cho người bệnh. Trường hợp không có thuốc thay thế phù hợp mà cần dùng thuốc hoặc dị nguyên đã gây phản vệ cho người bệnh phải hội chẩn chuyên khoa dị ứng – miễn dịch lâm sàng hoặc do bác sĩ đã được tập huấn về phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ để thống nhất chỉ định và phải được sự đồng ý bằng văn bản của người bệnh hoặc đại diện hợp pháp của người bệnh.

– Tất cả các trường hợp phản vệ phải được báo cáo về Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc.

– Theo Thông tư, Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu, sẵn có để sử dụng cấp cứu phản vệ. Bác sĩ, nhân viên y tế phải nắm vững kiến thức và thực hành được cấp cứu phản vệ theo phác đồ (các nhân viên y tế khác ngoài bác sĩ được quyền tiêm bắp Adrenalin từ phản vệ mức độ nặng trở lên khi chưa có bác sĩ).

– Triển khai hộp thuốc cấp cứu phản vệ, sơ đồ chẩn đoán và xử trí phản vệ tại các đơn vị sử dụng thuốc cho người bệnh. Luôn sẵn sàng xử trí kịp thời, đúng phác đồ nếu có phản vệ xảy ra.