Tế bào gốc vạn năng: Tiềm năng trong điều trị thoái hóa hoàng điểm

18 Tháng Một , 2021

Thoái hóa hoàng điểm là nhóm bệnh thoái hóa võng mạc mạn tính khiến người bệnh bị mất dần thị lực, bệnh tiến triển, không gây đau đớn nhưng đây là một trong những bệnh hàng đầu gây mù lòa ở người lớn tuổi. Hiện nay, bệnh thoái hóa hoàng điểm được điều trị chủ yếu bằng việc bổ sung kẽm và vitamin (A, C, E, B2) liều cao để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, ngoài ra thuốc tiêu nội nhãn điều trị thoái hóa hoàng điểm và các liệu pháp trị liệu laser cũng được ứng dụng. Tuy nhiên, các liệu pháp này còn hạn chế về mặt hiệu quả và phụ thuộc vào giai đoạn cũng như hình thái thoái hóa võng mạc. Gần đây, liệu pháp sử dụng tế bào gốc vạn năng được xem như một phương pháp hứa hẹn cho việc điều trị thoái hóa biểu mô sắc tố võng mạc – một trong những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh thoái hóa hoàng điểm. Lưu trữ tế bào gốc tại Bệnh viện Bưu điện sẽ dự phòng cơ hội điều trị nhiều loại bệnh cho bé và người thân trong đó có bệnh thoái hóa hoàng điểm. 

Ths. BSCKII Lê Mạnh Đức – Phó Giám đốc Bệnh viện – Trưởng khoa Mắt – Bệnh viện Bưu điện
thăm khám cho người bệnh.
  1. Tế bào gốc vạn năng (Pluripotent stem cell)

Là những tế bào có khả năng biệt hóa thành tất cả các tế bào của cơ thể có nguồn gốc từ ba lá mầm phôi – lá trong, lá giữa và lá ngoài. Ba lá mầm phôi này là nguồn gốc của tất cả các loại tế bào chuyên biệt khác nhau của cơ thể. Các tế bào gốc phôi lấy từ khối tế bào bên trong (inner cell mass – ICM) là những tế bào gốc vạn năng. 

  1. Tiềm năng ứng dụng và thử nghiệm lâm sàng điều trị bệnh cuả tế bào gốc vạn năng

Được nghiên cứu từ năm 1998, tế bào gốc vạn năng đã sớm được coi là nguồn tế bào thay thế đầy hứa hẹn cho y học tái tạo. Vượt qua các thách thức về mặt phức tạp của sinh học và những cản trở trong quá trình cấy ghép (như sự tương thích và đào thải), nghiên cứu về ứng dụng tế bào gốc vạn năng ngày càng đạt được những tiến bộ khoa học vượt bậc. Bắt đầu với nỗ lực sửa chữa các chấn thương tủy sống vào năm 2002, đến nay tổng số thử nghiệm lâm sàng về tế bào gốc vạn năng đã lên tới 131 thử nghiệm với 15,450 người tham gia, tập chung chủ yếu tại Mỹ (36%), Pháp (15%) và Trung Quốc (12%) (hình 1).  Trong đó, các thử nghiệm tập trung nhiều nhất về các bệnh liên quan đến cơ quan thụ cảm (32%, 32 thử nghiệm), đặc biệt là ứng dụng tế bào gốc vạn năng chữa trị các bệnh thoái hóa hoàng điểm (21 thử nghiệm) (hình 2).  

Hình 1. Thử nghiệm lâm sàng liên quan đến tế bào gốc vạn năng trên thế giới (1)

Hình 2. Các nghiên cứu lâm sàng liên quan đến tế bào gốc vạn năng (1)

  1. Tiềm năng ứng dụng điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm

Thoái hóa biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) là hội chứng liên quan đến mất thụ thể ánh sáng ở biểu mô sắc tố võng mạc, gây nên bệnh thoái hóa hoàng điểm ở người tuổi cao (Age-related macular degeneration (AMD)). Hoàng điểm là tên gọi một vùng ở ngay giữa võng mạc, giúp chúng ta nhìn thấy rõ nét ở ngay trung tâm và phần lớn các màu. Bệnh thoái hóa hoàng điểm là nhóm bệnh thoái hóa võng mạc mạn tính khiến người bệnh bị mất dần thị lực trung tâm, bệnh tiến triển, không gây đau đớn và có thể dẫn tới tình trạng mù lòa. Theo thống kê của tổ chức BrightFocus, năm 2010 ở Mỹ có khoảng 11 triệu người mắc bệnh thoái hoá hoàng điểm, dự đoán năm 2050 con số này có thể tăng lên gấp đôi vào khoảng 22 triệu ca. Ngoài ra, ở Úc, cứ 7 người trên 50 tuổi thì có 1 người có dấu hiệu thoái hóa hoàng điểm do tuổi già. Đây là một trong những bệnh hàng đầu gây mù lòa ở người lớn, chiếm 80-90% số trường hợp. Hiện nay, bệnh thoái hóa hoàng điểm được điều trị chủ yếu bằng việc bổ sung kẽm và vitamin (A, C, E, B2) liều cao để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, ngoài ra thuốc điều trị thoái hóa hoàng điểm chứa các yếu tổ tăng trưởng nội mô mạch máu và các liệu pháp trị liệu laser cũng được ứng dụng. Tuy nhiên, các liệu pháp này còn hạn chế về mặt hiệu quả và thường không ngăn chặn được quá trình tái thoái hóa võng mạc.

Gần đây, liệu pháp sử dụng tế bào gốc vạn năng được xem như một phương pháp hứa hẹn cho việc điều trị thoái hóa biểu mô sắc tố võng mạc – nguyên nhân gây bệnh thoái hóa hoàng điểm. Nhiều nghiên cứu đã sử dụng tế bào gốc vạn năng thay thế các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc với tỉ lệ thành công khác nhau. Một trong những thử nghiệm lâm sàng đầu được thực hiện bởi Steven và cộng sự năm 2015 (mã số NCT01345006 trên hệ thống ClinicalTrials.gov), đánh giá tính an toàn và khả năng dung nạp của cấy ghép biểu mô sắc tố võng mạc biệt hóa từ tế bào gốc vạn năng (hESC) trên người. Trong đó, các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc được tiêm vào vùng tế bào bị tổn thương, vị trí tiêm được lựa chọn cẩn thận dựa trên sự hiện diện của vùng cảm thụ ánh sáng bị thoái hóa, giúp tối ưu hóa cơ hội tích hợp cấy ghép. Thử nghiệm lâm sàng thực hiện trên 9 bệnh nhân với độ tuổi trung bình là 77 được theo dõi liên tục trong vòng 22 tháng. Kết quả đánh giá cho thấy, sau phẫu thuật, 72% bệnh nhân có sự gia tăng sắc tố dưới võng mạc; không có dấu hiệu tăng trưởng bất thường hay đào thải ghép qua trung gian miễn dịch; thị lực bệnh nhân được cải thiện 16 tới 25 điểm trong 3 đến 12 tháng sau tiêm. Hình ảnh chụp cắt lớp kết hợp quang học cho thấy sự tăng trưởng tế bào sắc tố tại gần vị trí đường tiêm tiến triển tốt (hình 3). Kết quả nghiên cứu này cho thấy các tế bào có nguồn gốc từ tế bào gốc vạn năng có tiềm năng trở thành một nguồn tế bào mới an toàn cho điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm . 

Hình 3. Ảnh chụp mắt bệnh nhân được cấy ghép biểu mô sắc tố võng mạc (đường tròn đen thể hiện vùng được cấy ghép).

Ngoài ra, một nghiên cứu lâm sàng khác được thực hiện bởi Lyndon và cộng sự năm 2018, mở ra một hướng chữa trị mới ứng dụng tế bào gốc vạn năng cho bệnh thoái hoá hoàng điểm. Thay thế phương pháp tiêm trực tiếp các tế bào gốc dạng huyền phù vào vị trí thương tổn bằng cấy ghép một lớp màng mỏng (monolayer) chứa các tế bào biểu mô sắc tố được biệt hoá từ tế bào gốc vạn năng. Phương pháp này khắc phục được các hạn chế của phương pháp tiêm tế bào huyền phù như: hạn chế việc thất thoát tế bào do sự trào ngược qua võng mạc, cố định tế bào và định hướng sự phát triển tại vùng thương tổn, giảm nguy cơ tạo mầm thuỷ tinh thể và giảm tổn thương của tế bào khi phải đẩy qua các ống dẫn truyền. Theo dõi kết quả cấy ghép trên 2 bệnh nhân bị thoái hoá hoàng điểm cho thấy vùng sắc tố trên màng mở rộng ra xung quanh miếng dán và ổn định vào tuần thứ 24 (hình 4).

Hình 4. 

Kết quả đánh giá mức thị lực ghi nhận triển vọng khả quan với mức tăng thị lực lớn hơn 15 chữ cái ở cả hai bệnh nhân sau cấy ghép 12 tháng; cho thấy tiềm năng điều trị hiệu quả bệnh thoái hoá hoàng điểm bằng liệu pháp tế bào gốc.

Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị thoái hóa hoàng điểm ngày càng đạt được nhiều bước tiến triển vọng. Với sự phát triển không ngừng của tiến bộ khoa học, liệu pháp điều trị bệnh thoái hoá hoàng điểm ứng dụng tính ưu việt của tế bào gốc mang đến tiềm năng đầy hứa hẹn cho điều trị y học trong tương lai. 

Thông tin chi tiết về việc lưu trữ Tế bào gốc xin liên hệ Đơn nguyên Tế bào gốc và Di truyền – Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Bưu điện

ĐT: 0963161177

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.nature.com/articles/s41536-020-00100-4
  2. Schwartz SD, Regillo CD, Lam BL, Eliott D, Rosenfeld PJ, Gregori NZ, Hubschman JP, Davis JL, Heilwell G, Spirn M, Maguire J, Gay R, Bateman J, Ostrick RM, Morris D, Vincent M, Anglade E, Del Priore LV, Lanza R. Human embryonic stem cell-derived retinal pigment epithelium in patients with age-related macular degeneration and Stargardt’s macular dystrophy: follow-up of two open-label phase 1/2 studies. Lancet. 2015 Feb 7;385(9967):509-16. doi: 10.1016/S0140-6736(14)61376-3. Epub 2014 Oct 15. PMID: 25458728.
  3. da Cruz L, Fynes K, Georgiadis O, Kerby J, Luo YH, Ahmado A, Vernon A, Daniels JT, Nommiste B, Hasan SM, Gooljar SB, Carr AF, Vugler A, Ramsden CM, Bictash M, Fenster M, Steer J, Harbinson T, Wilbrey A, Tufail A, Feng G, Whitlock M, Robson AG, Holder GE, Sagoo MS, Loudon PT, Whiting P, Coffey PJ. Phase 1 clinical study of an embryonic stem cell-derived retinal pigment epithelium patch in age-related macular degeneration. Nat Biotechnol. 2018 Apr;36(4):328-337. doi: 10.1038/nbt.4114. Epub 2018 Mar 19. PMID: 29553577.