Ứng dụng kiến thức và kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn giúp đỡ người bệnh kịp thời
Sau gần 2 tháng triển khai với 6 lớp tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn được tổ chức, hơn 500 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động của Bệnh viện Bưu điện đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao về cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Đợt tập huấn không chỉ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bưu điện mà trong từng hoàn cảnh và trường hợp cụ thể cán bộ, công nhân viên của Bệnh viện Bưu điện có thể áp dụng, giúp đỡ người bệnh trong cũng như ngoài Bệnh viện một cách kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo các Bác sĩ, ngừng tuần hoàn là trạng thái tim ngừng hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả ( không đưa máu tới các cơ quan của cơ thể được, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tuần hoàn vành, phổi…). Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra đột ngột trên một quả tim hoàn toàn khoẻ mạnh như trong các tai nạn do điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương… Nhưng cũng có thể là hậu quả cuối cùng của một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như ung thư, xơ gan, suy tim, suy thận… Trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn rất cần được cấp cứu sớm, vì chỉ sau 4 phút ngừng tuần hoàn não sẽ tổn thương không hồi phục.
TTƯT. ThS. BS Trần Hùng Mạnh – Phó Giám đốc Bệnh viện – Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu
phát biểu tại lớp tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn
Phát biểu kết thúc đợt tập huấn, TTƯT. ThS. BS Trần Hùng Mạnh – Phó Giám đốc Bệnh viện – Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu lưu ý: Trong cấp cứu ngừng tuần hoàn, việc tuân theo thứ tự cấp cứu và thực hiện đúng kỹ thuật là rất quan trọng. Nhằm nâng cao ý thức và kỹ năng cấp cứu cơ bản trong xã hội, thời gian tới, Bệnh viện Bưu điện sẽ phối hợp với các cơ quan, trường học để tổ chức các lớp tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn và giáo dục sức khỏe trong cộng đồng.
Sau đây là một số hình ảnh tại lớp tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn ngày 21/6/2017