“ Uống nước nhớ nguồn” và hành trình tri ân tháng 7
Những ngày tháng 7 này cùng với quân và dân cả nước, cán bộ y bác sỹ, nhân viên y tế và người lao động Bệnh viện Bưu điện đã có nhiều hoạt động thiết thực, nghĩa tình thể hiện sự tri ân đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Cùng với tổ chức đoàn khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các đối tượng người có công tiêu biểu trên địa bàn Phường Định Công – Quận Hoàng Mai – TP Hà Nội, trong các ngày từ 13 đến 16/7/2017, đoàn cán bộ là con thương binh, liệt sỹ và cán bộ chủ chốt các khoa, phòng của Bệnh viện Bưu điện do TTƯT. TS. BS Đỗ Văn Tráng – Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng đoàn đã tham gia hành trình về nguồn, thăm viếng các nghĩa trang liệt sỹ, di tích lịch sử ý nghĩa tại dải đất Miền Trung đầy nắng gió.
Xuất phát từ sáng sớm ngày 13/7, từ thủ đô Hà Nội vượt qua quãng đường dài gần 400km, Đoàn đã có mặt tại đất thiêng Vũng Chùa – nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị đại tướng của nhân dân đang an nghỉ. Với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, các cán bộ, bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Bưu điện đã dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương Quảng Bình. Trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (1954). Tên tuổi của ông cũng gắn liền với nhiều chiến công hiển hách của dân tộc. Ngày 4/10/2013, sau khi trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở thủ đô Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về với đất mẹ Quảng Bình trong niềm tiếc thương của toàn dân nước Việt. Theo Đội bảo vệ Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình, trong những ngày tháng 7 này, trung bình mỗi ngày khu mộ Đại tướng ở Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đón khoảng 5 – 6 nghìn lượt khách đến dâng hương.
Đoàn đến dâng hương, đặt lẵng hoa tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa – Đảo Yến
Theo hành trình “uống nước nhớ nguồn”, đoàn đã dừng chân bên cầu Hiền Lương sông Bến Hải của tỉnh Quảng Trị. Được chứng kiến tận mắt và nghe giới thiệu về lịch sử cuộc chiến tranh hào hùng nơi đây, tất cả các thành viên trong đoàn không giấu nổi niềm xúc động và tự hào. Trước vẻ đẹp thanh bình của dòng sông Bến Hải hôm nay, không ai có thể ngờ con sông này đã từng phải chịu nỗi chia cắt hai miền Nam Bắc Việt Nam suốt hơn 20 năm ròng rã. Ðôi bờ Hiền Lương – Bến Hải là chứng tích lịch sử về một thời kỳ gần 20 năm chia cắt đau thương của hai miền Nam – Bắc và cũng là nơi chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ, bi hùng của cả dân tộc ta. Đất nước thống nhất hòa bình, công lao của quân và dân khu vực giới tuyến được sử sách khắc ghi. Di tích đôi bờ Hiền Lương mãi trường tồn với những giá trị cao đẹp.
“Mỗi m2 đất mà các chiến sĩ ta giành được là một m2 máu”, hình ảnh trong câu chuyện của người hướng dẫn viên khu di tích Thành cổ Quảng Trị đọng mãi trong mỗi thành viên của Đoàn. Thành cổ Quảng Trị nằm dung dị bên dòng Thạch Hãn êm đềm, thuộc thị xã Quảng Trị. Sau 81 ngày đêm mùa hè rực lửa 1972, Mỹ – Ngụy đã trút xuống thị xã này 328.000 tấn bom, đạn pháo (bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản 1945). Để giữ từng tấc đất thiêng Thành cổ, hàng ngàn chiến sĩ của ta đã ngã xuống, hầu hết họ đang trong độ tuổi đôi mươi đẹp nhất đời người. Các anh nằm xuống, máu xương hòa lẫn vào nhau, thấm lên từng nắm đất. Bởi vậy, các công trình của Thành cổ từ thời nhà Nguyễn không thể khôi phục lại được mà dựng thành một khu di tích tưởng niệm và tri ân. Trước Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ được mô hình hoá thành nấm mộ chung cho các anh, các thành viên trong Đoàn thành kính dâng hương, kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm vong linh các anh hùng liệt sĩ.
Hầu hết các thành viên trong đoàn đều là thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ nên câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của cha anh, những mất mát thương đau của người dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc càng khiến cho mọi người thêm hiểu, thêm yêu quý, tự hào và tri ân sâu sắc những người đã ngã xuống. Tạm biệt Thành cổ Quảng Trị – những câu thơ của một cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị vẫn còn vương vấn:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”
Theo hành trình, Đoàn đã tới thăm viếng tượng đài Giao bưu – Thông tin liên lạc các thời kỳ tại Cồn Tiên, Dốc Miếu, tỉnh Quảng Trị. Tượng đài được xây dựng tại một địa danh lịch sử, ngay bên Quốc lộ 1A, nơi có hàng rào điện tử Mắc na ma ra và là nơi diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt, giành giật từng tấc đất giữa ta và địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là một trong những tượng đài hoành tráng và đẹp. Hình tượng những người làm công tác giao bưu thông tin liên lạc mãi khắc sâu trong tâm trí của các thế hệ người Việt Nam.
Đoàn tiếp tục hành trình tới di tích địa đạo Vĩnh Mốc – một di tích tiêu biểu của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Trên thế gian này không đâu như Quảng Trị, mảnh đất miền Trung chưa đầy 5 ngàn km2 đã đón vào lòng đất mẹ gần 70 nghìn liệt sĩ ngã xuống trong những cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc. Những ngày tháng 7 lịch sử này, cùng với rất đông các đoàn khách, cựu chiến binh, đoàn cán bộ, y bác sỹ và nhân viên y tế của Bệnh viện Bưu điện trở về với miền “đất lửa”, đến thăm viếng, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang, thể hiện lòng tri ân đối với các thế hệ đi trước. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (NTLSQG) – hai trong những nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất Việt Nam, nhiều thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt. Nghĩa trang Liệt sỹ đường 9 nằm trên một vùng đồi thuộc địa bàn phường 4, thị xã Ðông Hà; mặt quay ra hướng quốc lộ 9. Đây là nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ với đầy đủ của ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tọa lạc trên một vùng đồi núi đẹp ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là chốn yên nghỉ của hơn 10.000 anh hùng liệt sĩ. Hầu hết trong số họ là những chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn Đông – đường chiến lược huyết mạch giải phóng miền Nam.
Rời Nghĩa trang Trường Sơn, Đoàn đã đến dâng hương tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong đã hiến trọn đời mình cho tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng, bom địch thả xuống bên nào đất đá cũng lǎn xuống đường làm cản trở giao thông. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba Đồng Lộc. Đây được xem như cổ họng, vượt qua được sẽ phân tán toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào Nam. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường độc đạo này đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ tuổi từ 17 đến 24 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng là đơn vị làm việc thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong. Ngày 24/7/1968, trong khi thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc đã vùi lấp cả tiểu đội. Tất cả các chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ và vẫn chưa có ai lập gia đình. Ngã Ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc; về sự hy sinh cao cả của 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi.
TTƯT. TS. BS Đỗ Văn Tráng – Giám đốc bệnh viện Bưu điện
thắp hương tưởng nhớ 10 cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc
Hành trình “ Uống nước nhớ nguồn” 2017 của Đoàn cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Bưu điện đã khép lại nhưng dư âm của chuyến đi vẫn còn mãi trong tâm trí của mỗi thành viên. Những địa danh, những di tích lịch sử, những câu chuyện cảm động về tình yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc của các thế hệ đi trước khiến thế hệ hôm nay càng thêm hiểu, thêm yêu giá trị của độc lập, tự do mà chúng ta đang có. Trở về với công việc và cuộc sống hàng ngày, mỗi cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế và người lao động của Bệnh viện Bưu điện lại tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, chung tay xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, xứng đáng với sự hi sinh lớn lao của những người đi trước.