Văn hóa ứng xử và y đức của người thầy thuốc trong thời kỳ hội nhập
Hướng tới kỷ niệm 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2017), Bệnh viện Bưu điện đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “ Văn hóa ứng xử và y đức của người thầy thuốc trong thời kỳ hội nhập”. Thạc sỹ, Bác sỹ Mai Xuân Phương – Phó vụ Trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số – KHHGĐ, Bộ Y tế đã chia sẻ với cán bộ, y bác sỹ và hơn 200 điều dưỡng viên của Bệnh viện những câu chuyện xúc động và ý nghĩa liên quan đến ngành y và các bác sỹ áo trắng.
Phát biểu tại buổi nói chuyện, Tiến sỹ, Bác sỹ Đỗ Văn Tráng – Giám đốc Bệnh viện Bưu điện khẳng định văn hóa ứng xử và y đức của người thày thuốc là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của bất cứ một đơn vị y tế nào. Với vai trò và trọng trách, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, hơn 60 năm qua, kể từ khi hoạt động của một bệnh xá cho đến nay đã trở thành Bệnh viện hạng I hoạt động theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Bệnh viện Bưu điện luôn đặt người bệnh lên hàng đầu, quan tâm, chữa trị và chăm sóc người bệnh tận tình, chu đáo tạo cho người bệnh sự yên tâm, tin tưởng. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, đầu tư trang bị các trang thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện rất chú trọng nội dung nâng cao y đức, cải tiến cách thức làm việc, đổi mới phong cách phục vụ hướng tới sự hài long của người bệnh. Chất lượng công tác khám chữa bệnh và y đức của các thày thuốc đã tạo nên uy tín và thương hiệu của Bệnh viện Bưu điện. Buổi nói chuyện chuyên đề về y đức người thày thuốc, văn hóa giao tiếp và ứng xử của cán bộ, nhân viên Bệnh viện cũng không ngoài mục đích tiếp tục rèn luyện, nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên y tế đối với công việc, giúp mọi người thêm hiểu, thêm yêu quý và tự hào về nghề Y. Từ đó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Bệnh viện Bưu điện trở thành địa chỉ y tế tin cậy của nhân dân.
Đồng tình với quan điểm của Giám đốc Bệnh viện Bưu điện Đỗ Văn Tráng, Thạc sỹ, Bác sỹ Mai Xuân Phương – Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số – KHHGĐ, Bộ Y tế cho rằng nghề Y là nghề “tích Đức” và “mua Phúc”, bất cứ ai đã và đang gắn bó với nghề Y đều là cơ duyên hoặc duyên nghiệp, chính vì vậy phải hiểu đúng và ý thức rõ ý nghĩa của câu “Lương y như từ mẫu”. Từ đó có sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ người bệnh. Có như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. Đề cập sâu nội dung “văn hóa ứng xử và y đức của người thầy thuốc trong thời kỳ hội nhập”, Bác sỹ Mai Xuân Phương tâm đắc chủ trương ngành y tế Việt Nam đổi mới hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời đánh giá cao sự sáng tạo, chủ động đổi mới nội dung này của Bệnh viện Bưu điện. Theo ông, văn hóa ứng xử được thể hiện ở 2 nội dung: văn hóa nói và văn hóa hành động. Hàm lượng văn hóa là cốt lõi quan trọng vì văn hóa chính là nền tảng, là gốc, là lõi để tạo nên giá trị của một quốc gia cũng như doanh nghiệp, Bệnh viện hay bất cứ một cơ quan, đơn vị nào. Đối với ngành Y và các Bệnh viện, mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần xác định rõ đối tượng phục vụ, chăm sóc của mình chính là khách hàng nhưng đó là những khách hàng đặc biệt bởi họ không phải chỉ đến mua hàng như đối với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường. Do đó, ngay từ khâu gặp gỡ, đón tiếp ban đầu cho tới việc khám, điều trị, chăm sóc… đều cần sự khéo léo, chân thành. Mỗi cán bộ, y bác sỹ, nhân viên y tế không những chú ý rèn luyện kỹ năng giao tiếp, biết cách kiềm chế cảm xúc mà còn phải thường xuyên thực hành xử lý tình huống phát sinh trong quá trình giao tiếp. Mục tiêu cuối cùng là hướng tới sự hài lòng của nhân dân.