Rửa tay là biện pháp tiết kiệm và hiệu quả nhất để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện

12 Tháng Mười , 2017

Một trong các nguyên nhân quan trọng gây bệnh tật, tử vong và làm tăng chi phí y tế chính là nhiễm khuẩn bệnh viện. Xác định kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những vấn đề mang tính cốt lõi của Bệnh viện, chiều 10/10/2017, Bệnh viện Bưu điện tiếp tục tổ chức tập huấn kiểm soát chất lượng tiệt khuẩn cho gần 50 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng trưởng và hộ lý các khoa, phòng.

NÉN 1

TTƯT.TS.BS Đỗ Văn Tráng phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Trực tiếp phổ biến, truyền đạt những thông tin mới nhất về tình hình nhiễm khuẩn của ngành y tế Việt Nam cũng như thế giới hiện nay, ThS Trần Hữu Luyện – Ủy viên Hội đồng chuyên môn Kiểm soát nhiễm khuẩn Bộ Y tế – Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn – Thừa Thiên Huế cho biết: Nhiễm khuẩn bệnh viện do các vi khuẩn đa kháng đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang là vấn đề nặng nề nhất trong các rủi ro dẫn đến thất bại trong chăm sóc y tế.

NÉN 8

ThS Trần Hữu Luyện – Ủy viên Hội đồng chuyên môn Kiểm soát nhiễm khuẩn Bộ Y tế – Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn – Thừa Thiên Huế thông tin về kiểm soát chất lượng tiệt khuẩn

NÉN 3

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện do bệnh nhân bị phơi nhiễm các nguy cơ nhiễm khuẩn khi đến khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, đặc biệt khi họ trải qua phẫu thuật hoặc các thủ thuật xâm lấn. Nhiễm khuẩn bệnh viện tác động tới bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế và cơ sở y tế và là một trong những nguyên nhân căn bản làm tăng tỷ lệ mắc và tử vong, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, tính mạng người bệnh, dẫn đến làm tăng chi phí y tế. Chính vì vậy, phòng chống nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế là việc làm rất cần thiết, đòi hỏi tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều phải nâng cao hiểu biết, có ý thức tự giác thực hiện cũng như áp dụng biện pháp phòng ngừa.

NÉN 9

NÉN 5

Với quan điểm “ Lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt”, các giải pháp vừa hữu hiệu, vừa tiết kiệm chi phí giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện đó là vệ sinh bàn tay đúng cách, làm sạch môi trường, xử lý chất thải, phòng tránh thương tích do vật sắc nhọn, xử lý đồ vải và dụng cụ chăm sóc bệnh nhân, lau chùi, khử khuẩn và tiệt trùng dụng cụ. Trong đó, rửa tay là biện pháp đơn giản, kinh tế và hiệu quả nhất đề phòng nhiễm khuẩn bệnh viện vì tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm…) từ bệnh nhân, môi trường y tế (dụng cụ, không khí, nước…) có thể lan truyền qua bàn tay từ nhân viên y tế đến bệnh nhân và ngược lại. Từ đó, vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

NÉN 1

Nhân viên Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bưu điện thực hiện đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn

Cùng với đó, việc kiểm soát cả quá trình, kiểm soát nhiều tầng, nhiều mức độ sẽ góp phần giảm bớt được rủi ro. Việc hiểu và thực hành các giải pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng bởi vì nếu không áp dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh lây lan, khiến cơ sở y tế trở thành nơi lây lan bệnh trong các đợt bùng phát dịch ảnh hưởng tới bệnh viện cũng như sức khỏe cộng đồng.

NÉN 5

Lưu ý các dạng nhiễm khuẩn bệnh viện chính đều liên quan đến thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật, ThS Trần Hữu Luyện cho rằng mặc dù kiểm soát nhiễm khuẩn ở các cơ sở y tế còn nhiều khó khăn nhưng chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn hoàn toàn có thể ngăn ngừa thông qua những chuẩn mực về chất lượng chăm sóc và thực hành lâm sàng. Theo đó, kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi… cần được tuân thủ nghiêm ngặt khi thực hiện các thủ thuật xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương cho người bệnh. Các dụng cụ, đồ dùng trong bệnh viện (quần áo, giường tủ…) và chất thải của người bệnh cần được vệ sinh, khử khuẩn bằng các biện pháp thích hợp, đối với các dụng cụ y tế dùng lại phải bảo đảm xử lý vệ sinh theo đúng các quy định của Bộ Y tế.

NÉN 4

Nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm soát chất lượng tiệt khuẩn tại các cơ sở y tế hiện nay, ThS Trần Hữu Luyện đánh giá cao sự quan tâm, coi trọng vấn đề này của Ban Lãnh đạo Bệnh viện Bưu điện. Qua tham quan thực tế tại Bệnh viện, ThS Luyện nhận thấy Bệnh viện Bưu điện là một trong số ít các bệnh viện hiện nay thực hiện khá tốt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, đưa ra những quy định và các giải pháp cụ thể yêu cầu từ lãnh đạo đến nhân viên nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, Bệnh viện Bưu điện cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm soát chất lượng tiệt khuẩn, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của quốc tế.

NÉN 9

Cảm ơn ThS Trần Hữu Luyện – Ủy viên Hội đồng chuyên môn Kiểm soát nhiễm khuẩn Bộ Y tế – Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn – Thừa Thiên Huế đã dành thời gian trao đổi những thông tin cần thiết về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện. Lãnh đạo Bệnh viện Bưu điện khẳng định đây chính là một trong những vấn đề mang tính cốt lõi được Bệnh viện đặc biệt quan tâm, coi trọng.

NÉN 12

Ngay từ ban đầu, Bệnh viện đã xây dựng nội quy, quy chế về tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; ban hành các quy định, hướng dẫn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện với các tiêu chí đánh giá chất lượng thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cụ thể. Cùng với đào tạo phổ cập về kiểm soát nhiễm khuẩn cho các thầy thuốc, nhân viên y tế, hộ lý và nhân viên vệ sinh, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn còn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng. Từ đó có những chấn chỉnh kịp thời góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm thiểu những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nhân dân và cộng đồng.

NÉN 11

TTƯT.ThS.BS Trần Hùng Mạnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Bưu điện phát biểu tại buổi tập huấn

Xác định việc kiểm soát và dự phòng nhiễm khuẩn bệnh viện là một tiêu chuẩn quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện, thời gian tới Bệnh viện Bưu điện sẽ tiếp tục đầu tư, mua sắm thêm trang thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng bệnh viện thân thiện, chất lượng chuyên môn cao, an toàn với người bệnh cũng như nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện.