Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo và các nước đang phát triển. Đây là một trong các bệnh bị liệt vào danh sách “10 bệnh gây tử vong hàng đầu” cần được quan tâm và kiểm soát. Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư được xem là “chìa khóa vàng” giúp người bệnh có cơ hội thoát khỏi “cánh cửa của tử thần”. Với việc cung cấp đa dạng các dịch vụ xét nghiệm chuyên sâu trong đó có xét nghiệm di truyền phục vụ chẩn đoán sớm ung thư, Bệnh viện Bưu điện là địa chỉ y tế tin cậy để những người có nguy cơ cao bị mắc ung thư lựa chọn thực hiện tầm soát và xét nghiệm ung thư di truyền bằng gen.
Các cán bộ, chuyên gia của Trung tâm Tế bào gốc và xét nghiệm di truyền – Bệnh viện Bưu điện.
- TỔNG QUAN VỀ UNG THƯ
Theo GLOBOCAN – một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có hơn 182.500 ca mắc mới và gần 122.700 ca tử vong do ung thư, trung bình cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Nhóm ung thư phổ biến ở nam giới bao gồm ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, nhóm ung thư phổ biến bao gồm ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư).
Tỷ lệ tử vong do ung thư cao bởi có đến 70% bệnh nhân ung thư đến bệnh viện điều trị ở giai đoạn muộn.
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư
- Ung thư phát hiện sớm
- Mắc nhiều bệnh ung thư
- Mắc ung thư hiếm gặp: ung thư thận, ung thư mô liên kết (Sarcoma) có liên quan đến đột biến gen di truyền.
Ngày nay với sự phát triển của các kỹ thuật y học hiện đại, các quốc gia đã có thể phát hiện ung thư ngay từ sớm. Trong đó, tầm soát và xét nghiệm ung thư di truyền bằng gen đang là giải pháp được nhiều chuyên gia đánh giá cao.
Hình 1: Tỷ lệ một số loại ung thư do di truyền.
- ĐỘT BIẾN GEN VÀ UNG THƯ
Ung thư là bệnh xảy ra khi xuất hiện tế bào bất thường, phát triển không kiểm soát và tập hợp tạo thành khối u. Dần dần, tế bào ung thư sẽ xâm lấn và phá hủy các mô cơ thể bình thường, bắt đầu từ cơ quan nguyên phát cho đến toàn cơ thể.
Nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư hầu hết chưa được xác định, tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ đặc biệt giữa ung thư và sự thay đổi gen trong tế bào. 90% đột biến là mới phát sinh xuất hiện sau khi ra đời, là kết quả của việc tương tác với các tác nhân gây ung thư trong môi trường sống và làm việc, 10% đột biến còn lại là do di truyền từ cha mẹ sang con cái.
Có 3 nhóm gen liên quan mật thiết đến sự hình thành ung thư bao gồm:
- Gen sinh ung thư (Oncogenes) cũng như gen tiền ung thư (proto-oncogenes), trong quá trính phát triển, phân chia của tế bào.
- Đột biến của gen hoặc biểu hiện quả mức của gen tiền ung thư – làm đảo lộn quá trình bình thường của tế bào (phát sinh ung thư).
- Gen kiềm chế khối u (Tumor suppressors): là những gen kiểm tra, các điểm checkpoint của quá trình phân chia tế bào. Đột biến gen này làm cho protein của chúng mất chức năng.
Hình 2: Các giai đoạn phát triển ung thư ở mức độ tế bào và phân tử.
Việc mang gen bị đột biến tuy không khẳng định là bệnh nhân chắc chắn bị ung thư, mà điều này cho thấy khả năng người đó sẽ mắc phải một số loại ung thư nhất định do di truyền là cao hơn. Các đột biến đó nếu phát hiện sớm, hoàn toàn có thể khắc chế và điều chỉnh cơ thể, cách sinh hoạt nhằm hạ thấp nguy cơ phát sinh ung thư.
Hình 3: Một số ung thư được phát hiện có liên quan mật thiết đến đột biến gen.
Với công nghệ giải trình tự gen hiện đại, xét nghiệm di truyền có thể xác định chính xác đột biến liên quan đến các bệnh ung thư, thông qua đó cung cấp thông tin cần thiết cho bác sĩ lâm sàng định hướng chẩn đoán, tiên lượng cũng như lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, cá nhân hóa nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Một số ung thư có khả năng di truyền:
- Ung thư vú
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư tử cung
- Ung thư tụy
- Ung thư đại trực tràng
- Ung thư thận.
- U cận hạch và/hoặc U tế bào sacrôm.
Một số hội chứng ung thư có nguy cơ di truyền:
– Hội chứng Lynch (Hereditary Non-Polyposis Colorectal Cancer), ung thư đại trực tràng không polyp di truyền: gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng đặc biệt dưới 50 tuổi, buồng trứng, tử cung, dạ dày, ruột non và ống mật.
– Hội chứng Cowden do đột biến gen PTEN, có thể gia tăng nguy cơ ung thư vú, tuyến giáp và tổn thương da đặc trưng.
– Hội chứng Peutz-Jegher có nguyên nhân là đột biến gen STK11, tăng nguy cơ ung thư đại tràng, vú và tụy.
– Hội chứng li-fraumeni là đột biến gen TP 53 tăng nguy cơ ung thư vú, xương và mô mềm, u não và ung thư biểu mô vỏ thượng thận ở trẻ nhỏ.
- GIÁ TRỊ XÉT NGHIỆM DI TRUYỀN TRONG MỘT SỐ BỆNH UNG THƯ
Trong ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, xét nghiệm đột biến gen EGFR có vai trò quan trọng trong việc định hướng điều trị đối với bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm đột biến gen EGFR là căn cứ quan trọng trong việc sử dụng các thuốc ức chế tyrosine kinase.
Hình 4: Một số thuốc điều trị đích giúp cải thiện triệu chứng và tiên lượng
ở bệnh nhân có mang đột biến gen gây ung thư.
Trong ung thư đại trực tràng xét nghiệm phát hiện đột biến gen KRAS, NRAS, BRAF giúp bác sĩ lâm sàng lựa chọn các phác đồ điều trị phù hợp, tránh lãng phí và ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh. Ngoài giá trị tiên lượng, theo khuyến cáo của mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) xét nghiệm phát hiện đột biến gen BRAF nên được tiến hành cho bệnh nhân có kết quả phát hiện đột biến gen KRAS, NRAS âm tính trước khi điều trị bằng các kháng thể đơn dòng kháng EGFR.
Trong ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, phát hiện đột biến gen BRAF V600E có ý nghĩa trong tiên lượng cũng như lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.
Trong ung thư vú và ung thư buồng trứng, đột biến gen BRCA1, BRCA2 là hai đột biến nguy cơ hàng đầu. Việc sàng lọc phát hiện hai đột biến này không chỉ có giá trị cho người bệnh mà còn có giá trị cho việc tư vấn di truyền cho gia đình người bệnh. Bởi hai đột biến này không chỉ liên quan đến bệnh ung thư vú mà còn nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư khác như ung thư ống dẫn trứng, phúc mạc, tuyến tụy và da (khối u ác tính ở giới nữ và nguy cơ mắc ung thư vú, tuyến tiền liệt và tuyến tụy ở giới nam.
Một ví dụ điển hình trong phòng chống ung thư vú là Diễn viên Angelina Jolie. Bà ngoại, mẹ và dì cô đều mắc ung thư vú/buồng trứng. Cô đã quyết định cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú (2013) và buồng trứng, ống dẫn trứng (2015) từ khi biểu hiện bệnh sớm.
Hình 5: Angelina Jolie quyết định cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú (2013) và buồng trứng,
ống dẫn trứng (2015) từ khi biểu hiện bệnh sớm.
Như vậy không chỉ người bệnh ung thư cần làm xét nghiệm di truyền để phát hiện đột biến phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị và tiên lượng mà người nhà người bệnh cũng nên tìm hiểu thông tin đặc biệt các bệnh ung thư di truyền như ung thư vú, ung thư đại trực tràng gia đình, để có thể có biện pháp phòng ngừa theo dõi phù hợp.
Sàng lọc phát hiện sớm ung thư là chìa khóa vàng để thoát khỏi tử thần.
Quý bệnh nhân có nhu cầu thực hiện xét nghiệm di truyền phục vụ chẩn đoán sớm ung thư và các xét nghiệm chuyên sâu có thể liên hệ đến Trung tâm Tế bào gốc và xét nghiệm di truyền – Bệnh viện Bưu điện, Hotline: 0888 706 556.