Tổng đài CSKH: 18006090 Đường dây nóng: 091 4642628 Cấp cứu: 024 36402308
TẬP HUẤN CẤP CỨU NGƯỜI BỆNH NGỪNG TUẦN HOÀN, HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ PHẢN VỆ
Lượt xem: 217
Trong hai ngày 20 và 21/8/2024, Bệnh viện Bưu điện đã tổ chức tập huấn cấp cứu người bệnh ngừng tuần hoàn; hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ cho hơn 530 cán bộ, nhân viên y tế thuộc 2 cơ sở của Bệnh viện tại Hà Nội. Lớp tập huấn nhằm giúp cho các cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện tiếp tục cập nhật, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, đáp ứng kịp thời và hiệu quả việc cấp cứu, điều trị cho người bệnh khi có tình huống xảy ra.
Anh-tin-bai

ThS.BSCKII Dương Vương Trung - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chia sẻ tại buổi tập huấn

Tại các buổi tập huấn, ThS.BSCKII Dương Vương Trung - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về tầm quan trọng của việc cấp cứu kịp thời người bệnh ngừng tuần hoàn, quy trình cấp cứu, trình tự các bước để thực hiện cấp cứu nhanh chóng và hiệu quả. Theo bác sĩ Trung, ngừng tuần hoàn là trạng thái tim ngừng cung cấp máu cho cơ thể. Tình trạng này có thể xảy ra đột ngột do điện giật, đuối nước, đa chấn thương, sốc phản vệ... hoặc là hậu quả của bệnh lý mạn tính như ung thư, xơ gan, suy tim, suy thận... Ngừng tuần hoàn có thể đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Quá trình cấp cứu ngừng tuần hoàn bao gồm các bước cơ bản như khai thông đường thở, thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. Hơn nữa, cần thực hiện khẩn trương và liên tục mới có thể đạt hiệu quả tốt nhất và tăng cơ hội cứu sống người bệnh. Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra đột ngột ở mọi người và mọi nơi trong và ngoài bệnh viện, thậm chí ngay trong phòng mổ, phòng hồi sức. Chính vì vậy, cấp cứu ngừng tuần hoàn đóng vai trò rất quan trọng đối với sinh mạng người bệnh. Phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng, xử trí sớm và đúng phương pháp sẽ có nhiều cơ hội để cứu sống người bệnh.

 Anh-tin-baiVới tinh thần học tập nghiêm túc, trách nhiệm, các cán bộ, nhân viên y tế tham dự tập huấn đã tập trung trao đổi, thảo luận, thực hành các kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn trên mô hình. Qua đó, mỗi cán bộ, nhân viên y tế hiểu rõ hơn về cơ chế ngừng tuần hoàn; nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn; cách nhận biết; cấp cứu và một số phương pháp cấp cứu người bệnh theo trình tự C-A-B (C – Chest compressions: Ép tim ngoài lồng ngực. A – Airway: Giải phóng đường thở B – Breathing: Hô hấp nhân tạo/thổi ngạt.), phương pháp hồi sức tim phổi nâng cao; biết cách sử dụng các thuốc hợp lý và an toàn khi có tình huống xảy ra.

 Về nội dung phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ góp phần hạn chế các biến chứng do sốc phản vệ gây ra, Bác sĩ Dương Vương Trung thông tin: theo số liệu báo cáo của Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI & ADR), số lượng bệnh nhân phản vệ ngày càng có chiều hướng tăng thêm. Sốc phản vệ là một tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, rất nguy hiểm, dễ gây tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Sốc phản vệ có thể xảy ra với bất cứ người nào, bất cứ lúc nào và chúng ta không thể lường trước được hậu quả của nó. Bác sĩ Trung nhấn mạnh, tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, chẩn đoán loại hình và cấp độ phản vệ, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ. Bác sĩ và các nhân viên y tế, nhất là điều dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, xử trí ban đầu cấp cứu phản vệ vì họ thường là những người đầu tiên phát hiện ra tình trạng sốc phản vệ trong quá trình theo dõi, chăm sóc người bệnh. Việc tập huấn cho đội ngũ điều dưỡng viên về phản vệ và sốc phản vệ là rất cần thiết bởi đây là những nhân viên y tế trực tiếp thực hiện y lệnh thuốc cho người bệnh hàng ngày. Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu cứu sống người bệnh bị phản vệ, phải được tiêm bắp ngay khi chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên. Tại lớp tập huấn, một số tình huống phản vệ về ca bệnh phổ thông, ca có biến chứng nặng, ca có dấu hiệu cảnh báo đã được Bác sĩ Trung đưa ra thảo luận, chia sẻ phương pháp điều trị, giải thích cặn kẽ cách xử trí từng trường hợp. Qua tập huấn, các cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bưu điện nắm vững hơn về kiến thức cũng như thực hành cấp cứu phản vệ theo đúng phác đồ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc và phục vụ người bệnh một cách toàn diện.

*Một số hình ảnh tại các buổi tập huấn:

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

 Anh-tin-bai

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai