Dị vật mũi ở trẻ em: Người nhà không nên tự lấy dị vật
Thứ Hai, 27/05/2024
Lượt xem: 676
Sáng nay 27/5/2024, Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Bưu điện tiếp nhận một bệnh nhi 12 tháng tuổi. Mẹ bé đưa con vào viện vì được cô giáo thông tin phát hiện trẻ nhét dị vật vào mũi. Sau khi trực tiếp thăm khám, BSNT Chu Thị Thùy Linh đã lấy ra được dị vật là một hạt vòng nhựa màu xanh kích thước khoảng 5mm ở mũi bên phải của em bé.
Bác sĩ Linh cho biết, rất may bé được cô giáo phát hiện đưa dị vật vào mũi và thông báo để gia đình đưa con đến Bệnh viện xử lý kịp thời. Đây không phải là trường hợp hy hữu vì trẻ em còn nhỏ, chưa nhận thức được sự nguy hiểm, các bé có thể đưa dị vật vào mũi, tai hoặc miệng của mình.
Đáng chú ý, dị vật từ mũi miệng có thể bị hít vào đường thở gây khó thở, nguy hiểm cho trẻ. Do đó, cha mẹ và người trông coi trẻ cần hết sức chú ý quan sát, tránh để các thứ vật dụng, đồ chơi có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Nếu nhìn thấy trẻ nhét dị vật vào mũi hoặc phát hiện dấu hiệu bất thường như: chảy nước mũi một bên, có mùi hôi thối; chảy máu mũi; trẻ bị đau nhức tại mũi hoặc quanh mũi; trẻ ngạt tắc mũi một bên hoặc khó thở… nên nghi ngờ trẻ có dị vật mũi.
Khi ấy, cha mẹ/ thầy cô giáo/ người trông coi trẻ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được thăm khám và lấy dị vật. Đặc biệt lưu ý, người nhà không nên tự lấy dị vật mũi vì có thể làm dị vật bị đẩy vào sâu hơn trong hốc mũi, hoặc trẻ hít dị vật xuống khí - phế quản gây khó thở, nguy hiểm cho trẻ.
Ảnh: Dị vật là một hạt vòng nhựa màu xanh kích thước khoảng 5mm đã được bác sĩ gắp ra khỏi mũi bên phải của em bé 12 tháng tuổi an toàn.
Tổng đài Chăm sóc khách hàng Bệnh viện Bưu điện: 18006090