ĐỪNG CHỦ QUAN KHI CÓ DẤU HIỆU CỦA SỎI THẬN
Sỏi
thận là hiện tượng bị lắng cặn muối và khoáng chất bên trong thận. Sỏi thận sau
khi hình thành có thể nằm yên trong thận hoặc di chuyển đến niệu quản. Hầu
hết sỏi thận đều nhỏ và thải ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên, một số khác
trở nên khá lớn và không thể di chuyển ra khỏi thận. Sỏi thận chính là nguyên
nhân dễ dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nếu không phát hiện đến một giai
đoạn nào đó sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm: tắc nghẽn đường tiết niệu, nhiễm trùng đường
tiết niệu, viêm bể thận cấp, ứ mủ bể thận, thận ứ nước, suy thận cấp và mạn
tính…
TTƯT.TS.BS Dương Văn Trung - Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu thăm khám cho người bệnh
“Lúc đầu vào viện khám mục đích là chỉ kiểm tra sức khỏe sau khi bị ngã
thôi, ai mà ngờ được mình đau là do “củ gừng” to tướng trong thận như thế. Cũng
may gặp đúng thầy thuốc, bắt đúng bệnh nên tôi được “cứu” quả thận rồi.” Đó
là chia sẻ của bệnh nhân Nguyễn Thị G. 64 tuổi ở Hải Phòng. Sau khi bị tai nạn
giao thông, lo lắng cho sức khỏe của mẹ, con gái đã đưa bà G. đến Bệnh viện Bưu
điện thăm khám sức khỏe tổng quát. Kết quả khám khiến hai mẹ con đều bất ngờ: ở
hai bên thận của bà G. có sỏi rất to, bác sĩ yêu cầu người bệnh nhập viện ngay
để xét nghiệm sàng lọc và đánh giá chức năng thận. TTƯT.TS.BS Dương Văn Trung -
Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu trực tiếp thăm khám cho bà G. chẩn đoán, người bệnh
nhân mắc sỏi canxi (sỏi san hô) lớn có đường kính > 2.5cm đi kèm hẹp bể thận
niệu quản, kích thước sỏi lên đến 10cm bên thận trái và bên thận phải có rất
nhiều viên sỏi canxi nhỏ, hai bên thận có dấu hiệu suy giảm chức năng. Theo BS
Trung, đây là một ca bệnh khó, nguy hiểm, để xử lý được sỏi ở cả 2 bên thận
trong trường hợp này, bác sĩ sẽ thực hiện tán sỏi qua da bên thận phải (tạo 1
đường hầm 6mm xuyên qua da vào trong thận, tán sỏi và lấy được sỏi ra ngay).
Còn bên thận trái, bác sĩ sẽ tiến hành mổ mở lấy sỏi lớn có đường kính >
2.5cm đi kèm hẹp bể thận niệu quản.
Sỏi canxi (sỏi san hô) lớn, kích thước 10cm bên thận trái bà G.
Với mong muốn mang tới
cho người bệnh kết quả can thiệp tốt nhất, hiệu quả điều trị cao nhất, dưới
“đôi bàn tay vàng” của TTƯT.TS.BS Dương Văn Trung, cả 2 phương pháp tán sỏi qua
da và mổ mở đều thành công. Quả thận của bà G. đã được cứu, người bệnh phục hồi
nhanh sau mổ, chức năng của thận hồi phục tốt và hoạt động bình thường.
Mới đây, khoa Ngoại Tiết
niệu đã tiếp nhận người bệnh Đỗ Thị H. (55 tuổi ở Nam Định) nhập viện trong
tình trạng sốt cao, nôn nhiều, cơ thể rất yếu. Kết quả khám và xét nghiệm cho
thấy bà H. bị suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn vì thận trái có quá nhiều sỏi nhỏ
và ứ mủ. Sau khi thực hiện phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, Bác sĩ
Trung đã lấy hết sỏi trong thận của bà H. Kết quả là bà H. đã bình phục sau gần
hai tuần khám và điều trị tại Bệnh viện Bưu điện.
Trên đây chỉ là một số ca
bệnh khó mà TS.BS Dương Văn Trung và các đồng nghiệp tại khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh
viện Bưu điện đã thăm khám, điều trị thành công cho người bệnh. BS Trung khuyến
cáo, hiện vẫn có nhiều người chủ quan với các triệu chứng bệnh sỏi thận mà chưa
thăm khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Điều này có thể khiến diễn tiến
bệnh nặng hơn và phức tạp, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Khi thấy các triệu
chứng như: đau vùng lưng âm ỉ hoặc đau bụng, đau ở vùng hố thắt
lưng một bên, lan ra phía trước, xuống dưới, đau rát khi đi tiểu, đi tiểu ra
máu, tiểu tiện nhỏ giọt thường xuyên, buồn nôn và ói mửa, sốt và cảm giác ớn lạnh…người
bệnh không nên chần chừ mà cần đến Bệnh viện thăm khám luôn.
Để phòng và chữa bệnh sỏi
thận bảo vệ sức khỏe, TS.BS Dương Văn Trung cũng khuyến cáo mọi người nên uống
nhiều nước (trên 2 lít/ngày), việc uống nhiều nước cũng sẽ hạn chế được 50% sỏi
tái phát nếu người bệnh đã từng điều trị sỏi thận. Các loại nước uống như: nước
cam, nước chanh… rất tốt cho thận. Bạn nên hạn chế ăn nhiều thịt động vật, có
thể thay thịt bằng cá; ăn nhiều rau xanh. Thường xuyên thăm khám và kiểm tra định
kì sức khỏe để phát hiện sớm bệnh và có cách điều trị sớm, nhanh chóng, dứt điểm
là rất quan trọng. Những người từng bị bệnh sỏi thận cần lưu ý đến việc phòng bệnh
tái phát để tránh nguy cơ bị suy thận. Khi mắc bệnh sỏi thận,
tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị mà phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để
khám, tư vấn và có hướng điều trị phù hợp. Tùy tình trạng bệnh, vị trí viên sỏi,
kích thước viên sỏi, bệnh lý nền, tuổi tác của người bệnh, bác sĩ sẽ có những
chỉ định cụ thể.