5 lần bơm IUI, 3 lần làm IVF không thành công, ấy là chưa kể bao tháng ngày ròng rã, ai mách đâu theo đấy, thuốc nam rồi thuốc bắc, tìm thầy, tìm thuốc khắp chốn cùng nơi. 10 năm đầu sau khi kết hôn, chị Trần Thị H. và anh Nguyễn Văn T. ở Vĩnh Phúc đã kiên trì đồng hành cùng nhau với mong muốn có được mụn con để gia đình nhỏ của mình ấm tiếng khóc, tiếng cười con trẻ. Thế nhưng, mong muốn ấy phải mãi đến 11 năm sau này mới thành hiện thực khi anh chị đến với Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Bưu điện.
“Con cảm ơn bác, hành trình tìm con đã đạt được ước mơ, 21 năm nay con được bế con trong vòng tay ấm áp”. Một ngày cuối tháng 3, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Bưu điện nhận được dòng tin nhắn và những hình ảnh một bé trai khoảng hơn 5 tháng tuổi kháu khỉnh. Đã thăm khám, điều trị, giúp hàng ngàn cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn tìm được con yêu, BS Nhã không thể nhớ hết các bệnh nhân của mình, nhưng trường hợp của chị Trần Thị H. người vừa gửi tin nhắn cảm ơn thì bác sĩ khá ấn tượng. Bởi hiếm có cặp vợ chồng người bệnh hiếm muộn nào có một hành trình dài và gian nan như vậy.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Bưu điện
“Khi đến với chúng tôi, người vợ đã 39 tuổi, chồng thì ngoài 40. Bệnh nhân đi khám và điều trị vô sinh, hiếm muộn ở tầm tuổi ấy không ít, nhưng tôi ấn tượng bởi quãng thời gian 21 năm tìm con của họ.”. Trước đó, qua kết quả thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, nguyên nhân vô sinh của vợ chồng chị H. do cả 2, người chồng tinh trùng yếu, người vợ bị tắc 2 bên vòi trứng đã mổ thông tắc và thực hiện nhiều lần các biện pháp hỗ trợ sinh sản tại các bệnh viện nhưng chưa thành công. Năm 2019, khi đến với TT Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện sau 5 lần làm IUI, 3 lần làm IVF, chị H đã gần 40 tuổi, nội tiết và dự trữ buồng trứng của người phụ nữ này cũng suy giảm nhiều. Lần đầu thực hiện IVF tại TT, 2 vợ chồng chị H. được 8 phôi. Tuy nhiên, kết quả chuyển phôi lại không được như mong muốn, sau 2 lần chuyển phôi không thành, chị H chỉ còn một phôi ngày 6. Lo sợ chuyển nốt phôi này cũng sẽ không thành công, chị H muốn theo dõi kích trứng thêm một lần nữa để tăng cơ hội cho mình. Nhưng bác sĩ Nguyễn Thị Nhã khuyên chị nên chuyển nốt phôi còn lại thay vì tiêm kích trứng. Và lần này, mong ước, khát khao của vợ chồng chị H. đã thành hiện thực.
“Tôi sinh mổ ở tuần thứ 35, hôm đó tôi bị ra máu nên xuống điều trị tại Bệnh viện Phụ sản, chuẩn bị ra viện thì bác sĩ phát hiện em đã mở 2cm nên chuyển vào phòng mổ luôn. Nghe con trai khóc chào đời, người đầu tiên tôi muốn gọi điện báo tin vui là BS Nhã. Tôi nghĩ, may là mình nghe lời khuyên của bác, bác sĩ đã động viên, giải thích và tiếp thêm động lực cho tôi chứ lúc ấy tôi cảm thấy không còn hy vọng gì nữa. Bây giờ cu con đã được 6 tháng tuổi, nặng gần 7kg, tôi và gia đình cảm ơn BS Nhã và các y bác sĩ của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Bưu điện nhiều lắm!” chị Trần Thị H. chia sẻ.
Chị Trần Thị H. (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) đã được đón con yêu sau 21 năm kiên trì trên hành trình tìm con.
Nhớ lại hành trình 21 năm tìm con, chị H. cho biết, suốt quãng thời gian dằng dặc ấy không ít năm tháng vợ chồng chị rơi vào bế tắc, cùng cực. Có thời điểm anh chị đã quyết định ngừng việc điều trị, chấp nhận thực tế mình không thể sinh con. Năm 2010, 10 năm sau ngày cưới, vợ chồng chị nhận một bé gái làm con nuôi, gia đình vì thế cũng vơi bớt sự hưu quạnh. Rồi tới năm 2019 (10 năm sau đó), khi biết tin nhiều người quen, bạn bè hiếm muộn tới Bệnh viện Bưu điện thăm khám và đều đã có con yêu, khát khao của vợ chồng chị H. lại nhen lên 1 lần nữa.
“Hy vọng rồi lại thất vọng khi chuyển phôi 2 lần thất bại, lần thứ 3 chuyển phôi cuối cùng tôi cũng nản lắm, cứ nghĩ 2 lần vừa rồi chuyển toàn phôi tốt còn không được, giờ còn 1 phôi ngày 6 nên chẳng dám hy vọng gì nhiều. Thậm chí, bác sĩ chỉ định tiêm 2 ống thuốc sau chuyển phôi mà tôi còn thờ ơ, hôm nhớ, hôm quên. Mãi tới ngày thứ 9, sau khi thử que thấy báo 2 vạch, mừng quá tôi mới thực hiện theo đúng chỉ định”. Kể về quãng thời gian này, chị H. cho rằng khi đã lựa chọn bác sĩ và cơ sở y tế uy tín để điều trị, các bệnh nhân nên tin tưởng vào bác sĩ và bản thân, thực hiện theo đúng tư vấn và chỉ định. Có như vậy, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn, còn như chị, lúc biết tin mình có thai chị thật sự đã rất lo vì trước đó mình chưa coi trọng đúng mức và chưa thực hiện theo đúng hướng dẫn.
Mặc dù mang thai lần đầu khi tuổi đã cao, cũng vài lần ra máu phải nhập viện theo dõi và sinh con ở tuần thứ 35 nhưng trộm vía cả 2 mẹ con đều khỏe mạnh. Chị H. mong muốn, mai này khi con đã cứng cáp hơn và dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vợ chồng chị sẽ đưa con đến thăm Bệnh viện Bưu điện, gặp lại BS Nhã và các y bác sĩ giỏi chuyên môn, tận tâm, thân thiện đã giúp gia đình chị có được niềm hạnh phúc trọn vẹn hôm nay.