PHẪU THUẬT CẮT BÈ ĐIỀU TRỊ TĂNG NHÃN ÁP DO BỆNH GLOCOM: KHÔI PHỤC THỊ LỰC TRỞ LẠI TỪ CƠN ĐAU THIÊN ĐẦU THỐNG
Thứ Ba, 29/04/2025
Lượt xem: 9
Người bệnh L.T.B.T (55 tuổi, Hà Nội) nhập viện Bưu điện vì đau nhức dữ dội ở một bên mắt, kèm theo nhức lan lên nửa đầu cùng bên. Cơn đau xuất hiện một cách đột ngột, đau dữ dội, mắt mờ đi không còn nhìn thấy gì đặc biệt là cơn đau xuất hiện vào nửa đêm và sáng sớm khiến bà không thể chịu nổi. Bác sĩ khoa Mắt Bệnh viện Bưu điện chẩn đoán bà bị tăng nhãn áp cấp tính do bệnh Glocom góc đóng. Bà đã được các bác sĩ điều trị tích cực hạ nhãn áp để sớm đưa nhãn áp về mức bình thường và sau đó chỉ sau 20-30 phút phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, cơn đau của bà T. dần biến mất, tránh được nguy cơ mù lòa hoàn toàn.

BSCKII Nguyễn Quý Đông - Phó Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Bưu điện thăm khám cho người bệnh
Sau một ngày làm việc căng thẳng, khi đang trong giấc ngủ, bà T đột nhiên cảm thấy đau nhức dữ dội ở một bên mắt trái, đau nhức lan lên thái dương và nửa đầu bên trái. Bà mô tả cảm giác như "đau thấu trời xanh" – đúng với cái tên dân gian "thiên đầu thống". Triệu chứng đi kèm bao gồm nhìn mờ, thấy quầng xanh đỏ khi nhìn vào ánh đèn và cảm giác sợ ánh sáng, thậm chí là buồn nôn khiến bà T mất ăn mất ngủ nhiều ngày liền. Ban đầu, bà nghĩ đó chỉ là mệt mỏi hoặc đau đầu thông thường, nên chỉ nghỉ ngơi và uống thuốc giảm đau. Tuy nhiên, các triệu chứng không thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng, buộc bà phải đến bệnh viện. Bà T chia sẻ: “Tôi sống trong đau đớn và mệt mỏi, khi đến bệnh viện nghe bác sĩ đề nghị phẫu thuật, tôi vừa hy vọng vừa lo lắng, không biết liệu có thành công hay không. Bác sĩ đã giải thích cặn kẽ, tận tình hướng dẫn tôi, giúp tôi yên tâm hơn rất nhiều. Ca mổ diễn ra nhanh chóng, không đau đớn như tôi tưởng. Mọi thứ đã thay đổi ngay sau ca phẫu thuật, cơn đau đã hết. Tôi rất cảm kích đội ngũ y bác sĩ tại Khoa Mắt Bệnh viện Bưu điện.”

Tại khoa Mắt Bệnh viện Bưu điện, bác sĩ đã đo nhãn áp (đo áp lực trong mắt), kiểm tra thị lực, thăm khám trên kính sinh hiển vi với soi góc và chỉ định chụp ảnh đáy mắt, chụp OCT, siêu âm mắt... Sau khi thăm khám kỹ lưỡng cho bà T, BSCKII Nguyễn Quý Đông - Phó Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Bưu điện cho biết: Người bệnh T bị tăng nhãn áp cấp tính do bệnh Glocom góc đóng cấp tính (hay còn gọi là thiên đầu thống hoặc cườm nước). Nhãn áp của bà tăng cao bất thường (trên 60 mmHg), có nguy cơ mất thị lực do gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Tình trạng này xảy ra do hệ thống thoát thủy dịch trong mắt bị tắc nghẽn, dẫn đến tăng áp lực nội nhãn. Nếu không xử lý kịp thời, người bệnh có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Bà T có tiền sử cao huyết áp, dễ gây ra cơn đau đầu - một yếu tố dễ làm bỏ sót và phát hiện muộn bệnh Glocom cấp. Ngoài ra, bà T ít đi khám mắt định kỳ, nên nguy cơ mắc bệnh không được phát hiện sớm.
Bác sĩ Đông cùng ekip thực hiện phẫu thuật cắt bè củng giác mạc cho người bệnh
Trực tiếp thăm khám và điều trị cho người bệnh, bác sĩ Đông cho biết thêm: Glocom góc đóng cấp tính là một cấp cứu nhãn khoa, đòi hỏi điều trị tích cực và cần can thiệp phẫu thuật để hạ nhãn áp giúp bảo tồn thị lực cho người bệnh. Sau khi tình trạng nhãn áp đã được kiểm soát, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt bè củng giác mạc - một phương pháp hữu hiệu giúp kiểm soát nhãn áp và ngăn ngừa tổn thương thêm cho mắt. Phẫu thuật cắt bè là kỹ thuật tạo một lỗ dò nhỏ ở vùng củng giác mạc (phần sát rìa lòng đen của mắt) để dẫn lưu thủy dịch, từ đó giảm áp lực trong nhãn cầu, đây là yếu tố quan trọng để ngăn tổn thương thêm cho dây thần kinh thị giác. Bằng cách kiểm soát nhãn áp, phương pháp này giúp bảo vệ các tế bào thần kinh thị giác chưa bị tổn thương, ngăn chặn sự tiến triển của Glocom, bảo vệ thị lực còn lại của người bệnh. Ca phẫu thuật của người bệnh T đã diễn ra suôn sẻ, giúp ổn định được nhãn áp, giảm đau và ổn định tình trạng mắt, tránh được nguy cơ mù lòa. Sau phẫu thuật, người bệnh T phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch dùng thuốc và tái khám định kỳ (1 tuần, 1 tháng và sau đó định kỳ 1- 2 tháng/ 1 lần để theo dõi thị lực, nhãn áp, thị trường, tình trạng thị thần kinh ở đáy mắt và chỉ định các biện pháp thăm khám cận lâm sàng như chụp đáy mắt màu, chụp OCT gai thị 3- 6 tháng/1 lần hoặc trong những trường hợp có nghi ngờ tình trạng tổn hại lớp sợi thần kinh quanh gai thị. Người bệnh cũng cần thay đổi lối sống, tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong bóng tối, vì điều này có thể làm đồng tử giãn, gây tăng nhãn áp; kiểm soát huyết áp và khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng; tránh lạm dụng thuốc chứa corticoid, vốn có thể làm tăng nguy cơ Glocom.

Bác sĩ Đông thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật
Khoa Mắt Bệnh viện Bưu điện là một trong những đơn vị uy tín trong lĩnh vực nhãn khoa. Với đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, trang thiết bị hiện đại và quy trình thăm khám, điều trị đạt chuẩn quốc tế. Khoa Mắt Bệnh viện Bưu điện không chỉ thực hiện thành công các ca phẫu thuật Glocom mà còn điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý phức tạp khác như đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc, hay chấn thương mắt.
Liên hệ Khoa Mắt Bệnh viện Bưu điện để được tư vấn và điều trị kịp thời. Một đôi mắt khỏe mạnh là nền tảng cho một cuộc sống trọn vẹn!
----------------------------
Tổng đài Chăm sóc khách hàng Bệnh viện Bưu điện: 18006090