Tổng đài CSKH: 18006090 Đường dây nóng: 091 4642628 Cấp cứu: 024 36402308
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Lượt xem: 158
Bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt tại các nước trong Khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Các biến chứng của bệnh ĐTĐ thường xuất hiện từ từ, thầm lặng, nên cần phải được theo dõi và sàng lọc kỹ. ThS.BSVũ Ngọc Linh – Trưởng Khoa Nội II Bệnh viện Bưu điện cho biết kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu là rất quan trọng trong việc dự phòng các biến chứng của bệnh ĐTĐ. Cùng với đó, cần điều trị tốt, tích cực các bệnh lý đi kèm cũng như các biến chứng ở người bệnh ĐTĐ.
Anh-tin-bai

ThS.Bác sỹ Vũ Ngọc Linh – Trưởng Khoa Nội II Bệnh viện Bưu điện tư vấn cho người bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường hay còn gọi tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng. Khi mắc bệnh đái tháo đường, người bệnh không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ các thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo ra năng lượng, lâu dần gây nên hiện tượng tăng lượng đường tích tụ trong máu. Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.

Tỷ lệ người mắc Đái tháo đường

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021, trên toàn cầu có khoảng 537 triệu người trưởng thành (từ 20-79 tuổi) mắc bệnh Đái tháo đường. Tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ đang gia tăng (loại ĐTĐ typ 2) đặc biệt là ở các Quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Dự đoán con số này có thể đạt 783 triệu người vào năm 2045 nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả.

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Bộ Y tế và WHO vào năm 2019, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ ở người trưởng thành là khoảng 5,4%. Cứ 17 người trưởng thành thì có 01 người mắc ĐTĐ. Gần 4 triệu người trưởng thành mắc ĐTĐ vào năm 2021, tương đương với 6% dân số trưởng thành. Dự kiến sẽ tăng hơn 6 triệu người trưởng thành mắc ĐTĐ vào năm 2045 (tăng 51%). Tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ typ2 trong cộng đồng dân cư đang tăng lên, đặc biệt ở lớp người lớn tuổi và những người có lối sống ít vận động. Việt Nam cũng đang đối mặt với các vấn đề ngày càng nghiêm trọng về béo phì và bệnh lý chuyển hóa, làm gia tăng nguy cơ mắc ĐTĐ. Ngoài ra, thói quen ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ thực phẩm nhiều đường và chất béo. Yếu tố di truyền, gia đình có người mắc đái tháo đường cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc ĐTĐ

Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh

Đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường typ 2, đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cũng như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Mặc dù có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đái tháo đường, hầu hết trong số đó có thể kiểm soát nếu người bệnh biết cách phòng ngừa từ sớm. Việc hiểu rõ nguy cơ mắc đái tháo đường của bản thân giúp mỗi người có ý thức hơn trong việc thay đổi lối sống, duy trì chế độ ăn uống và vận động phù hợp, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Ngày Đái tháo đường Thế giới được tổ chức vào ngày 14 tháng 11 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm này. Chủ đề của Ngày Đái tháo đường Thế giới năm 2024 là “Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh”. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, từ đó có những biện pháp phòng ngừa kịp thời để duy trì sức khỏe. Bộ Y tế kêu gọi toàn thể mọi người dân: Hãy có trách nhiệm với sức khỏe của mình, quan tâm đến và duy trì cuộc sống khỏe mạnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh ĐTĐ và các bệnh tật khác. Hãy sàng lọc để được chẩn đoán sớm bệnh ĐTĐ.

Một số điểm người bệnh Đái tháo đường cần chú ý

  • Kiểm soát tốt đường huyết
  • Đạt được đường huyết trước bữa ăn (đường huyết đói): 4,4-7,2 mmol/L, đường huyết đỉnh sau ăn <10mmol/L, đích đường máu trung bình (HbA1C) <7.0 % và tránh các nguy cơ gây hạ đường huyết.
  • Đạt được đích hay giảm được HbA1C sẽ làm giảm các biến chứng.
  • Thay đổi lối sống là nền tảng để đạt được mức kiểm soát đường huyết: Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đầy đủ, ngủ đủ giấc, bỏ thuốc lá, kiểm soát cân nặng, giảm tress…
  • Dự phòng và điều trị các biến chứng của Đái tháo đường
  • Các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường: Bệnh võng mạc, bệnh thận, đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thần kinh.
  • Các biến chứng cấp tính của đái tháo đường: Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê nhiễm toan acid lactic, hôn mê hạ đường huyết.
  • Kiểm soát tốt đường huyết, giảm HbA1C sẽ làm giảm được nguy cơ gây biến chứng của bệnh đái tháo đường.
  • Bên cạnh đó cần phải kiểm soát tốt huyết áp, kiểm soát lipid máu và đồng thời sử dụng các thuốc có lợi cho tim mạch và thận sẽ là những yếu tố song hành trong việc làm giảm biến chứng của đái tháo đường.
  • Điều trị các bệnh lý đi kèm
  • Thường người bệnh đái tháo đường sẽ có các bệnh lý mạn tính đi kèm.
  • Do đó nếu chỉ điều trị để đạt được mục tiêu Glucose máu là không đủ, mà phải điều trị các bệnh lý mạn tính kèm theo
  • Các bệnh lý mạn tính hay đi kèm với bệnh ĐTĐ bao gồm: Béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh lý tim mạch, bệnh thận đái tháo đường, bệnh lý thần kinh ngoại biên, bệnh võng mạc đái tháo đường…